Khi xây dựng mục tiêu hoặc những việc cần làm cho năm mới 2023, hẳn nhiều người đang có trong đầu cụm từ: từ bỏ một công việc hoặc ngành nghề không vừa ý.
Gần một nửa (46%) người lao động Mỹ có kế hoạch tìm kiếm một công việc mới trong 6 tháng tới. Mức lương thấp là lý do đầu tiên và phổ biến nhất khiến ai đó muốn nhảy việc. Đó là theo một báo cáo mới từ công ty tư vấn nguồn nhân lực Robert Half, đã khảo sát 2.500 chuyên gia từ tháng 10 đến tháng 11 năm 2022.
Báo cáo này cũng cho thấy gen Z, các phụ huynh đang làm việc toàn thời gian và nhân viên độc thân có thâm niên dưới 5 năm trong doanh nghiệp có nhiều khả năng sẽ thay đổi ngành nghề vào đầu năm 2023.
Nhưng công việc nào sẽ có tỷ lệ bỏ việc cao nhất trong năm nay? Theo một báo cáo mới từ Payscale, những người làm trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng, nhân sự và công nghệ có nhiều khả năng sẽ sớm từ chức.
Top 10 ngành nghề nhân viên dễ chán nhất năm 2023
Để xác định thứ hạng, Payscale đã xem xét tỷ lệ tuyển dụng và bỏ việc của hàng chục ngành nghề từ Cục Thống kê Lao động và hỏi ý kiến hơn 80.000 người lao động về việc họ có đang tích cực tìm kiếm một công việc mới hay sắp có kế hoạch tìm việc mới hay không.
Payscale cũng xem xét dữ liệu về tiền lương của hơn 1,1 triệu người lao động Mỹ và lao động nước ngoài tại Mỹ trên trang web của họ từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 10 năm 2022 để xác định những ngành nghề có tiền lương tăng chậm nhất — một yếu tố lớn quyết định việc nhân viên bỏ ngành.
Lexi Clarke, phó chủ tịch phụ trách nhân sự của Payscale, cho biết việc bắt buộc quay trở lại văn phòng có thể khiến những người lao động ở top ngành nghề kể trên từ chức. Nhiều người trong số họ đã làm việc từ xa kể từ đầu năm 2020.
Clarke cho biết thêm, nhiều ngành nghề có tên trong danh sách, bao gồm cả công nghệ và nhân lực, cũng đã gặp khó khăn trong những tháng gần đây, khiến người lao động “đặc biệt dễ bị tổn thương” khi kiệt sức và tìm cách nhảy ngành, đặc biệt nếu mức tăng lương ít ỏi và các đợt thăng chức không diễn ra như mong đợi.
Dù vẫn tiếp tục lo ngại suy thoái kinh tế, Clarke cho biết hiện tại vẫn là thời điểm vững chắc để chuyển đổi công việc, viện dẫn tỷ lệ sa thải thấp ở mức kỉ lục trong lịch sử và thực tế là cơ hội việc làm tiếp tục vượt xa số lượng người có sẵn để đáp ứng.
Clarke nói: “Chúng ta có thể sẽ thấy tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nhưng tỷ lệ cụ thể là bao nhiêu vẫn còn phải chờ xem. “Số lượng cơ hội nghề nghiệp vẫn cao hơn nhiều so với năm 2019, đây là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy thị trường việc làm đang giảm đà cạnh tranh cũng như mở ra nhiều khả năng đây sẽ tiếp tục là thị trường dành cho ứng viên chuyển ngành trong năm 2023.”
Trong năm qua, tại thị trường Việt Nam, sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử đã dẫn đến tình trạng nhiều ngành nghề kinh doanh truyền thống mất vị thế, mở ra thị trường việc làm mới vô cùng hứa hẹn cho giới trẻ. Đồng thời, đây cũng là thách thức cho các nhà quản lý khi chúng ta vẫn chưa có cơ chế và khung quy định hoàn chỉnh.