Ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng Ngân hàng Sacombank lần lượt lên tiếng về vụ việc liên quan tới bà Trương Mỹ Lan bị bắt do nghi ngờ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Người dân đổ xô đến SCB rút tiền sau tin Trương Mỹ Lan bị bắt

Vào ngày 8/10 vừa qua, thông tin bà Trương Mỹ Lan, người sáng lập và chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt lan truyền rộng rãi trên các phương tiện báo chí, truyền thông. Lý do Trương Mỹ Lan bị bắt là vì nghi ngờ có hành vi thao túng thị trường cổ phiếu qua hoạt động của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông – tội danh “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Cùng ngày, khách hàng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn SCB liên tục đến rút tiền vì lo lắng vụ việc bà Trương Mỹ Lan có thể khiến hoạt động của ngân hàng “điêu đứng”. Việc khách ồ ạt rút những khoản tiền gửi trước thời hạn, khoản tiền có giá trị lớn khiến SCB “trở tay không kịp”.

Trong khi đó, một “nạn nhân” khác hoàn toàn không liên quan đến vụ việc nhưng vẫn bị ảnh hưởng là Sacombank – Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín. Có thể vì tên gọi có phần tương tự nhau nên nhiều khách hàng nhầm Sacombank viết tắt là SCB và cũng đến rút tiền ồ ạt.

Đại diện ngân hàng SCB lên tiếng trấn an dư luận

SCB cam đoan hoạt động tại ngân hàng không bị ảnh hưởng bởi vụ bà Trương Mỹ Lan bị bắt. (Ảnh: Getty Image)

Ngay trong ngày, đại diện SCB đã lên tiếng giải thích rằng, SCB đã tìm hiểu và khẳng định Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông không phải là đơn vị thuộc Ngân hàng SCB. Trong khi đó, bà Trương Mỹ Lan cũng không hề giữ chức vụ quản lý nào tại SCB. Nói cách khác, việc bà Lan bị bắt hoàn toàn không ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng.

Cùng với đó, SCB cũng khẳng định việc khách hàng ồ ạt đến rút tiền trên hết sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của khác hàng – do rút sớm, không đảm bảo mức lợi nhuận (rút trước thời hạn), có thể ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ tại ngân hàng do quá tải.

Bên cạnh đó, phía SCB cam kết ngân hàng có đủ tài chính, nguồn lực và giải pháp để đáp ứng kịp thời yêu cầu chính đáng, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và đối tác. Sau khi vụ việc xảy ra cùng nhiều tin tức bất lợi, SCB cũng đã ngay lập tức lên phương án tăng cường lượng tồn quỹ tại của các chi nhánh, tăng lượng tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước để từ đó đảm bảo nhu cầu thanh toán liên ngân hàng được đảm bảo.

Sacombank “trần tình” về tên gọi ngân hàng, khẳng định SCB và Sacombank là 2 ngân hàng khác nhau

Về phần mình, Sacombank cũng có bài đính chính trên fanpage chính thức của ngân hàng, tuyên bố Sacombank là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), mã chứng khoán là STB, khác hoàn toàn với SCB. Có thể nói, việc một bộ phận khách hàng thậm chí không biết rõ tên Sacombank và SCB là 2 ngân hàng khác nhau nhưng vẫn liên tục đến rút tiền rõ ràng khiến cho Sacombank “nằm không cũng trúng đạn”.

Ngân hàng Nhà nước họp báo về hoạt động của SCB

Để ngăn chặn những tin đồn sai căn cứ và ngăn chặn tình trạng nghiêm trọng hơn của vụ việc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã tổ chức họp báo. Trong đó, Giám đốc NHNN khu vực TP.HCM – ông Võ Minh Tuấn cho biết, hiện nay SCB vẫn hoạt động bình thường và ổn định. Bên cạnh đó, NHNN cũng cam kết sẽ sát sao kiểm soát hoạt động của các ngân hàng thương mại nói chung và SBC nói riêng.

Theo ông Tuấn, việc người dân đến rút tiền tại SCB là quyền lợi chính đáng, và do đó yêu cầu sẽ luôn được xử lý thích hợp. Tuy nhiên, ông cũng lên tiếng trấn an dư luận không nên hoang mang hoặc tin vào những nguồn tin tức chưa được kiểm chứng chỉ làm ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của khách hàng.

Thay vì tin vào những tin tức không chính xác, hoặc tâm lý đám đông thấy người khác xếp hàng rút tiền cũng xếp hàng, yêu cầu rút tiền, ông Tuấn khuyến khích người dân bình tĩnh vì NHNN đảm bảo quyền, lợi ích của người dân luôn được đảm bảo.

Cũng trong ngày 8/10, cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị liên quan. Ngoài vụ bắt giữ Trương Mỹ Lan, cơ quan công an cũng tiến hành bắt giữ, tạm giam các bị can khác như: Trương Huệ Vân – TGĐ Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor.

Trong danh sách các bị can bị bắt còn có Nguyễn Phương Hồng – trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Hồ Bửu Phương – nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt và nguyên Phó TGĐ phụ trách tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Tội danh ban đầu là do các cá nhân, tổ chức đã có hành vi can thiệp trái phép, sai phạm khi phát hành cổ phiếu để thu lợi bất chính.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sau đó lên tiếng rằng vụ sai phạm liên quan trực tiếp đến một số cá nhân tại một số doanh nghiệp cụ thể và sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.