Người đứng đầu ngân hàng trung ương Ấn Độ cảnh báo tiền số có thể gây ra cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo nếu các cơ quan quản lý ở nhiều quốc gia tiếp tục ủng hộ hoặc “bỏ mặc” cho lĩnh vực phát triển.
Ông Shaktikanta Das, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ phát biểu tại một sự kiện: “Tiền điện tử có rủi ro cố hữu rất lớn đối với sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô của chúng ta”. Ông cũng chỉ ra rằng sự sụp đổ gần đây của FTX là một ví dụ về việc tiền ảo mang lại nhiều bất ổn và các vấn đề không chắc chắn như thế nào.
Tồn tại mối nguy đến từ bitcoin, tiền số
Das cho biết mối quan tâm chính của ông là tiền số không có bất kỳ giá trị cơ bản nào, gọi chúng là “đầu cơ” và nói thêm rằng ông nghĩ rằng chúng nên bị cấm. “Nó [giao dịch tiền số tư nhân] là một hoạt động đầu cơ trăm phần trăm và tôi vẫn giữ quan điểm rằng nó nên bị cấm. Bởi vì, nếu nó được phép phát triển, nếu bạn cố gắng điều chỉnh nó và cho phép nó phát triển, hãy đánh dấu theo lời tôi, cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo sẽ đến từ tiền số”, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ khẳng định.
Nhận xét của ông Das được đưa ra khi ngân hàng trung ương Ấn Độ đang thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và giới thiệu phiên bản kỹ thuật số của đồng rupee Ấn Độ. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng đã bắt đầu chương trình thí điểm cho đồng rupee kỹ thuật số vào ngày 1/12 để sử dụng bán lẻ ở một số thành phố được chọn. Một số người dùng có thể giao dịch bằng đồng rupee kỹ thuật số thông qua các ứng dụng và ví di động.
Đồng rupee kỹ thuật số là một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang xem xét phát hành các phiên bản kỹ thuật số cho đồng tiền pháp định của chính họ Das cho biết CBDC có thể đẩy nhanh quá trình chuyển tiền quốc tế và giảm nhu cầu hậu cần, chẳng hạn như in tiền.
Ngân hàng trung ương của Trung Quốc đang dẫn đầu về sự phát triển của CBDC. Bắc Kinh đã thử nghiệm sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của mình trong thế giới thực kể từ cuối năm 2020, mở rộng tính khả dụng của nó cho nhiều người dùng hơn trong năm nay.
Tầm quan trọng của việc ban hành các quy định về tiền số đã được chú ý hơn nữa trong năm nay sau sự sụp đổ trị giá 1,3 nghìn tỷ USD của thị trường tiền điện tử và vụ phá sản đầy tai tiếng của sàn giao dịch FTX.
Trung Quốc đã cấm giao dịch tiền điện tử từ tháng 9/2021 và nhận được sự ủng hộ của nhiều chính khách, nhà kinh tế trên khắp thế giới. Về phần mình, chính phủ Ấn Độ đang làm việc về luật tiền số, có thể dẫn tới quyết định cấm một số hoạt động xung quanh tiền ảo nói chung, đồng thời tạo khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.
Ngày càng nhiều tiếng nói phản đối tiền điện tử
Nhiều ngân hàng trung ương ở các quốc gia thường nói rằng tiền điện tử không gây rủi ro lớn cho nền kinh tế vì chúng đại diện cho một loại tài sản nhỏ hơn nhiều. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tiếng nói cảnh báo về tác động kinh tế vĩ mô tiềm ẩn, đặc biệt nếu tiền số không được kiểm soát.
Ông Jon Cunliffe, phó Thống đốc về ổn định tài chính của Ngân hàng Anh cho biết vào tháng 7 rằng tiền điện tử có thể không được “tích hợp đủ” vào hệ thống tài chính để trở thành một “rủi ro hệ thống ngay lập tức”. Ông lưu ý rằng ranh giới giữa thế giới tiền số và hệ thống tài chính truyền thống sẽ “ngày càng trở nên mờ nhạt”.
Bộ Tài chính Mỹ, trong khi đó đã nhấn mạnh hồi tháng 10 rằng “các hoạt động tài sản tiền điện tử có thể gây rủi ro cho sự ổn định của hệ thống tài chính Mỹ” và tiếp tục kêu gọi cơ quan chức năng đẩy nhanh đà nghiên cứu, thử nghiệm đồng USD kỹ thuật số, đồng thời sớm áp dụng các quy định với ngành công nghiệp tiền điện tử.
Bitcoin và ethereum – những tiền số lớn nhất đều đang giảm giá và biến động mạnh thời gian gần đây. Vụ phá sản của FTX và các cáo buộc hình sự với founder Sam Banked-man Fried đã gây ra tâm lý sợ hãi, bất an cho nhiều nhà đầu tư tiền số nhỏ lẻ.