Sau sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền ảo FTX, ngành công nghiệp này tiếp tục chứng kiến một tên tuổi khác là BlockFi nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chapter 11 tại Tòa án Phá sản Mỹ tại Quận New Jerse.

Trong hồ sơ, công ty tiền ảo BlockFi chỉ ra rằng họ có hơn 100.000 chủ nợ (các nhà đầu tư, giao dịch trên sàn), với các khoản nợ và tài sản từ 1 tỷ USD đến 10 tỷ USD. BlockFi cũng liệt kê khoản vay trị giá 275 triệu USD cho FTX US – chi nhánh tại Mỹ của FTX do tỷ phú Sam Bankman-Fried sáng lập.

Công ty tiền ảo trị giá 4,8 tỷ USD nộp hồ sơ xin phá sản

Trong khi đó, một công ty con của BlockFi cũng đã nộp đơn xin phá sản ở Bermuda cùng thời gian với việc nộp đơn ở Mỹ. Bermuda cũng giống như Bahamas là những khu vực coi tiền ảo là tương lai của tài chính. Cả 2 đã thiết lập các khuôn khổ nhất định để quản lý các tài sản tiền điện tử và tiền kỹ thuật số cụ thể. Bahamas với sự phá sản của FTX và bây giờ là Bermuda với BlockFi đều phải đối mặt với các thử thách pháp lý quan trọng đầu tiên sau khi chính thức áp dụng các quy định về tiền điện tử của họ.

Hồ sơ phá sản của BlockFi cho thấy khách hàng lớn nhất (được tiết lộ) của công ty tiền ảo này có khoản nợ lên tới gần 28 triệu USD.

BlockFi là công ty tiền ảo tiếp theo nộp hồ sơ xin phá sản. (Ảnh: WorldNewsEra)

“BlockFi mong đợi một quy trình minh bạch nhằm đạt được kết quả tốt nhất cho tất cả khách hàng và các bên liên quan khác”, Mark Renzi của Nhóm nghiên cứu Berkeley (BRG) cho biết trong một thông cáo báo chí. BRG đóng vai trò là cố vấn tài chính của BlockFi.

Công ty tiền ảo BlockFi vốn cung cấp dịch vụ trao đổi giao dịch và lưu ký chịu lãi suất cho tiền ảo là một trong nhiều công ty phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về thanh khoản sau vụ việc Three Arrows Capital. BlockFi có trụ sở tại thành phố Jersey, New Jersey đã tạm dừng rút tiền gửi của khách hàng và thừa nhận rằng họ đã “tiếp xúc đáng kể” với sàn giao dịch tiền ảo hiện đã phá sản FTX và Alameda Research.

“Chúng tôi liên quan nhiều tới FTX và các thực thể công ty liên quan bao gồm những nghĩa vụ mà Alameda nợ chúng tôi, tài sản được giữ tại FTX.com và số tiền chưa rút từ hạn mức tín dụng của chúng tôi với FTX.US”, BlockFi từng thừa nhận sau khi FTX nộp đơn xin phá sản.

Theo những người quen thuộc với vấn đề này, công ty tiền ảo BlockFi đã bắt đầu trao đổi với các chuyên gia tái cấu trúc trong những ngày sau khi FTX nộp đơn phá sản. Hiện tại, đại diện từ BlockFi vẫn chưa đưa ra các bình luận phản hồi với CNBC.

Liên tục các công ty, sàn giao dịch tiền ảo lớn sụp đổ

BlockFi trong lần định giá gần đây nhất được ước tính có giá trị khoảng 4,8 tỷ USD (theo PitchBook), nằm trong số nhiều công ty tiền điện tử chịu áp lực nặng nề từ sự sụp đổ của FTX. Vào tháng 7, FTX đã tham gia để giúp BlockFi ngăn chặn tình trạng phá sản bằng cách mở rộng cơ sở tín dụng quay vòng trị giá 400 triệu USD và đề nghị mua lại người cho vay.

Sàn giao dịch tiền điện tử FTX của Sam Bankman-Fried đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chapter 11 tại Mỹ vào ngày 11/11 và nhanh chóng gây ra hiệu ứng lây lan trong toàn bộ lĩnh vực tiền ảo.

Khoảng 130 công ty liên kết bổ sung là một phần của quá trình tố tụng, bao gồm Alameda Research, công ty giao dịch tiền ảo khác của Bankman-Fried và FTX.us, công ty con của FTX tại Mỹ. Giám đốc điều hành mới của FTX, John Ray cho biết trong một hồ sơ gửi lên Tòa án Phá sản Delaware rằng “trong 40 năm kinh nghiệm tái cấu trúc và pháp lý của mình” ông chưa bao giờ thấy “sự thất bại hoàn toàn trong kiểm soát doanh nghiệp và hoàn toàn không có thông tin tài chính đáng tin cậy như đã xảy ra ở đây”.

Chỉ trong vài ngày, FTX đã đi từ mức định giá 32 tỷ USD đến phá sản khi thanh khoản cạn kiệt, khách hàng yêu cầu rút tiền và sàn giao dịch đối thủ Binance đã xé bỏ thỏa thuận không ràng buộc để mua công ty trước đó. John Ray nói thêm rằng “một phần đáng kể” tài sản được nắm giữ treen FTX có thể “bị mất hoặc bị đánh cắp”.

FTX có hơn 1 triệu chủ nợ, theo hồ sơ phá sản được cập nhật cho thấy nguy cơ nghiêm trọng của nhà đầu tư tiền ảo khi công ty này sụp đổ.