Nếu muốn thăng tiến và phát triển sự nghiệp tại nơi làm việc thì cách bạn bày tỏ thái độ xin lỗi vô cùng quan trọng, và tốt nhất là không nên lúc nào cũng nói “Tôi xin lỗi”, điều đó chỉ làm cho bạn kém cỏi đi.

Thường xuyên xin lỗi ảnh hưởng đến thăng tiến sự nghiệp ra sao?

Các CEO của những công ty tư vấn nghề nghiệp hàng đầu nước Mỹ cho biết, tốt nhất là đừng nói “Tôi xin lỗi” tại nơi làm việc, điều này có thể khiến bạn trông yếu ớt. Thay vào đó, hãy thử những cụm từ tích cực hơn – không đổ lỗi hay trốn tránh trách nhiệm nhưng vẫn giúp bạn không trở nên quá nhỏ bé nơi công sở. Chính những tiểu tiết như vậy, về lâu dài lại cực kỳ có ích cho con đường sự nghiệp và khả năng thăng tiến của bạn.

Đối với nhiều người, nói “Tôi xin lỗi” sau một số tình huống nhất định, ngay cả những tình huống không cần xin lỗi, là bản chất và thói quen khó bỏ. Tuy nhiên, xin lỗi quá mức có thể gây phản tác dụng, đặc biệt là trong công việc: Nó có thể khiến người khác nghĩ về bạn kém cỏi hơn, hạ thấp lòng tự trọng và làm giảm tác động của những lời xin lỗi trong tương lai, cũng ảnh hưởng tới đánh giá của cấp trên và cơ hội thăng tiến của bạn.

Đừng chỉ nói xin lỗi, điều đó không giúp bạn thăng tiến, thành công. (Ảnh: CNBC)

Theo Patrice Williams Lindo, Giám đốc điều hành của Career Nomad, một công ty tư vấn nghề nghiệp, thói quen ngay lập tức nhận lỗi thường là vì bạn có cảm giác nhỏ bé, không an toàn – có thể do tuổi thơ hoặc môi trường học tập, lớn lên. Chính việc khắc sâu tư duy khiêm tốn hết mức có thể đã khiến chúng ta “hơi một chút là xin lỗi”.

Tệ hơn, người hay nhận lỗi rất khó hoặc gần như không bao giờ thể hiện thái độ tự tin, tự hào về bản thân. Thử hỏi làm sao bạn có thể thăng tiến sự nghiệp khi làm cho hình ảnh cá nhân trở nên mờ nhạt? Người thành công sẽ biết cách xử lý tình huống, giao tiếp và thăng tiến mà không cần hạ mình. 

3 cách thay thế lời nói “Tôi xin lỗi” ở nơi làm việc

Khi bạn đang sự cố kỹ thuật trong công việc

Làm việc từ xa, làm việc nhóm đã ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng trong vài năm qua, việc thành thạo sử dụng các thiết bị điện tử trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thật không may là cho dù bạn có hiểu biết về công nghệ đến đâu, thì những khó khăn về kỹ thuật vẫn sẽ xảy ra ít hay nhiều, và cơ bản thì những lỗi đó không thuộc về bạn.

Ví dụ, hãy nghĩ về một cuộc gọi video bị gián đoạn, bạn có thể cảm thấy muốn xin lỗi nếu làm mất nhiều thời gian của đối phương. Đa số chúng ta đều cảm thấy không thoải mái khi im lặng trong tình huống như vậy, tuy nhiên, thay vì xin lỗi vì những điều không phải lỗi của bạn, có thể thay thế bằng “Cảm ơn mọi người đã thông cảm”, “Anh/ chị vui lòng chờ đợi trong ít phút, sự cố được khắc phục ngay” thì hình ảnh cá nhân của bạn sẽ khác hẳn.

Một nhân viên tự tin, mạnh mẽ và có khả năng phản ứng nhanh với các tình huống bất khả kháng lúc nào cũng được đánh giá cao hơn người chỉ biết xin lỗi. Bên cạnh đó, việc bạn vượt qua các vấn đề như vậy cho thấy kỹ năng chủ động, kỹ năng lãnh đạo và nhờ đó cơ hội thăng tiến sẽ đến với bạn.

Khi tham gia cuộc họp, trao đổi công việc hoặc giao tiếp thông thường

Giả sử khi đang tham dự một cuộc họp do đồng nghiệp chủ trì, ai đó nêu ra quan điểm mà bạn đồng ý hoặc không đồng ý và bạn muốn chia sẻ quan điểm của mình thì thông thường, hầu hết mọi người sẽ nói “Xin lỗi, nhưng quan điểm của tôi là…”. Thế nhưng, rõ ràng là bạn có quyền lên tiếng và bày tỏ, chứng minh với thái độ góp ý, đóng góp vì công việc chung mà không phải xin lỗi.

Nhân viên nổi bật có tiềm năng thăng tiến sẽ nói rằng “Tôi nghĩ…”, “Từ quan điểm của tôi…”, “Dựa trên dữ liệu/ kết quả phân tích… tôi thấy…”. Những cụm từ này giúp bạn đóng góp mà không có vẻ sợ hãi khi tham gia công việc. Cơ hội phát triển sự nghiệp không dành cho người luôn khúm núm và ngại ngần khi trình bày, thể hiện những điều đúng đắn.

Khi bạn thực sự phạm sai lầm

Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm, đặc biệt là trong công việc. Nếu bạn đã hoàn thành một nhiệm vụ không chính xác hoặc bạn vô tình xúc phạm ai đó, nói “Tôi xin lỗi” sẽ không phải là câu trả lời sai, nhưng nó cũng sẽ không phải là câu trả lời mạnh mẽ nhất và phù hợp cho kế hoạch thăng tiến lâu dài.

“Khi bạn làm sai điều gì đó, câu trả lời không nhất thiết phải là Tôi xin lỗi”, bà Lindo nói. “Bạn có thể nói về hành động bạn sẽ làm để điều tra hoặc giải quyết vấn đề”.

Các cụm từ khác có thể thể hiện tốt hơn rằng bạn đã sẵn sàng làm những gì cần thiết để làm cho tình huống trở nên đúng đắn gồm có: “Cảm ơn anh/chị vì đã phản hồi”, “Tôi sẽ chịu trách nhiệm”,… Hầu hết những leader, CEO đều thăng tiến vì họ biết thể hiện bản thân, quyết đoán và giải quyết vấn đề hiệu quả. 

Một lời xin lỗi chân thành không phải là xấu, nhưng lý tưởng nhất là chỉ nói “Tôi xin lỗi” khi bạn thực sự có ý đó để đảm bảo lời xin lỗi chân thành. Ở nơi làm việc, chốn công sở, cách tốt nhất vẫn là tự tin, có sự tự hào về năng lực, cách hành xử về bản thân vì chỉ có như vậy cơ hội thăng tiến mới nằm trong tầm tay bạn.