Không phải cứ là danh mục đầu tư phân bổ 60/40 mà nhiều người theo đuổi thì sẽ phù hợp và giúp bạn kiếm tiền. Ngược lại, cách tạo danh mục đầu tư sai lầm thậm chí khiến bạn lỗ vốn, mất trắng.

Nhiều nhà đầu tư dài hạn ủng hộ danh mục đầu tư 60/40 – 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu, đây cũng được coi như một chiến lược đầu tư cổ điển có thể mang lại lợi nhuận được điều chỉnh theo rủi ro. Tuy nhiên, các chuyên gia đầu tư của Morningstar (Mỹ) nói rằng lạm phát dai dẳng và tăng lãi suất của Fed trong năm 2022 đã khiến các nhà đầu tư sử dụng danh mục này tổn thất nhiều hơn.

Tại sao kiểu danh mục đầu tư 60/40 là lý tưởng trong quá khứ?

Danh mục đầu tư 60/40 được thiết kế để giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro và tạo ra tỷ suất sinh lợi ổn định theo thời gian. Điều này được thực hiện bằng cách xây dựng một danh mục đầu tư phân bổ 60% cho cổ phiếu và 40% cho trái phiếu. Khi làm như vậy, các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro nhiều hơn để kiếm lợi từ tiềm năng tăng trưởng cao hơn của cổ phiếu và cân bằng rủi ro đó với các khoản đầu tư an toàn hơn vào trái phiếu.

Ý tưởng cơ bản đằng sau sự kết hợp phân bổ tài sản này là: Trong khi thị trường cổ phiếu và trái phiếu có thể đi xuống theo thời gian, chúng hiếm khi đi xuống cùng một lúc. Tuy nhiên, vào năm 2022, công ty tài chính Morningstar có trụ sở tại Chicago nói rằng chiến lược danh mục đầu tư này đã bị mất cân bằng do lạm phát dai dẳng và việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

2022 không phải một năm lý tưởng cho danh mục đầu tư 60/40. (Ảnh: Yahoo Finance)

“Kết quả là ngay cả các nhà đầu tư có danh mục đầu tư đa dạng giữa cổ phiếu và trái phiếu – thông qua cái thường được Phố Wall gọi là “phương pháp tiếp cận danh mục đầu tư 60/40” đều đang phải đối mặt với mức lỗ gần 20% trong năm nay. Trên thực tế, trong quý 3/2022, “hiệu suất của danh mục đầu tư 60/40 sẽ kém hơn so với việc chỉ đầu tư rộng rãi vào cổ phiếu “, Morningstar khẳng định trong báo cáo.

Theo công ty tài chính này, cổ phiếu đã chạm mức thấp mới của thị trường gấu với hiệu suất kém nhất của tài sản vào năm 2022 cho đến nay – giảm 24,9%. Và đồng thời thì trái phiếu cũng đang “có năm tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại”, giảm 14,6% trong cùng khoảng thời gian.

Trong quá khứ, mối tương quan thấp giữa cổ phiếu và trái phiếu đã cung cấp cho các nhà đầu tư một cách hấp dẫn để đa dạng hóa danh mục đầu tư và hưởng lợi từ lợi nhuận của cả 2 loại tài sản.

Tại sao cổ phiếu và trái phiếu lại sụt giảm?

Cổ phiếu và lạm phát có thể có mối tương quan thấp, giá cổ phiếu sẽ giảm khi lạm phát tăng lên. Và vào năm 2022, Chỉ số Thị trường Morningstar Mỹ đã giảm trong 3 quý liên tiếp, với “mức lỗ chưa từng thấy kể từ năm 2008”.

Lạm phát có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu theo 3 cách: Các công ty có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn do nguyên vật liệu, nhân công và chi phí chung tăng; người tiêu dùng không có nhiều tiền để mua hàng hóa và dịch vụ của công ty, do đó làm giảm doanh thu và thu nhập ròng của công ty; ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, các công ty sẽ tránh vay tiền vì phải gánh thêm nợ.

Tại Mỹ, với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ, Fed đã tăng lãi suất 3 lần vào ngày 5/5, ngày 15/6 và ngày 27/7. Và điều này cũng khiến giá trái phiếu giảm xuống.

Trái phiếu có xu hướng biến động ngược chiều với lãi suất. Trong quá khứ, các nhà đầu tư sử dụng kết hợp phân bổ tài sản 60/40 dựa vào các khoản đầu tư trái phiếu thận trọng hơn để đa dạng hóa. Nhưng với mức độ lạm phát dai dẳng trong năm nay, mối quan hệ giữa cổ phiếu và trái phiếu có thể tiếp tục đảo ngược.

Cách tốt nhất để nhà đầu tư bảo vệ danh mục đầu tư của mình

Với lạm phát dai dẳng và lãi suất tăng trong thời gian sắp tới, các nhà đầu tư sẽ muốn (và cần phải) điều chỉnh phong cách đầu tư, cân nhắc lại việc phân bổ tài sản khác để cân bằng danh mục đầu tư của họ.

4 chiến lược đầu tư phổ biến và thích hợp trong thị trường biến động gồm có: Nhìn xa hơn giá trị và tăng trưởng; thêm các biện pháp bảo vệ chống lạm phát khác; kết hợp cả đầu tư chủ động và thụ động và cuối cùng là giảm thiểu thiệt hại của bạn bằng các chiến lược hiệu quả về thuế.