Sắp sinh con là một trải nghiệm tuyệt vời, đặc biệt với các bậc phụ huynh lần đầu làm cha mẹ nhưng tất nhiên, sinh con cần bao nhiêu tiền mới là câu hỏi đảm bảo cho cảm giác hạnh phúc về sau. Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ từ sơ sinh đến 18 tuổi là 233.610 đô la, không bao gồm giáo dục bậc đại học. Ở Việt Nam, chưa có con số thống kê chính thức nào về chi phí này nhưng hẳn nhiên, tỉ lệ sinh giảm dần trong những năm gần đây cũng cho thấy một phần sự e ngại về vấn đề tài chính.
Nếu bạn đang có kế hoạch sinh con trong năm tới, lập một kế hoạch tài chính khoa học có thể giúp tránh được một số sai lầm gây tốn kém tiền bạc trong ngắn hạn và dài hạn.
Sai lầm #1: Không lập ngân sách chi tiêu khi sắp sinh con
Một trong những bẫy tài chính nguy hiểm nhất mà các bậc cha mẹ tương lai thường mắc phải là đánh giá thấp chi phí sinh con. Khoản này bao gồm các chi phí phát sinh trước khi sinh như thăm khám bác sĩ và đồ dùng sơ sinh, chi phí trong khi sinh nở, và các chi phí phát sinh sau đó như tã lót và đồ dùng cho em bé.
Lập kế hoạch ngân sách từ sớm có thể giúp các bậc phụ huynh ước tính chi phí sinh và nuôi con. Ở mức tối thiểu, ngân sách cơ bản nên bao gồm:
- Các khoản chi phí y tế và thăm khám bác sĩ (cả trước khi sinh và sau khi sinh)
- Viện phí trọn gói khi sinh
- Đồ dùng trẻ sơ sinh như quần áo, đồ nội thất, ghế ngồi ô tô, v.v.
- Chi phí bảo mẫu (nếu cần)
- Tã, khăn lau và các vật dụng cần thiết khác cho bé
- Sữa công thức và bình, nếu có
- Máy hút sữa và túi trữ sữa, nếu có
Điều quan trọng nữa là xem xét việc sinh con có thể ảnh hưởng đến thu nhập hiện tại như thế nào. Các hộ gia đình có hai thu nhập có thể mất một nếu cha hoặc mẹ chọn ở nhà trông con. Đối với các phụ huynh đơn thân, việc sinh con đồng nghĩa với điều chỉnh lại số giờ làm việc hoặc thậm chí thay đổi công việc, dẫn đến mức lương thấp hơn.
Sai lầm #2: Đánh giá thấp chi phí chăm sóc em bé
Quyết định trở lại làm việc sau khi sinh con thường bị thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Một số phụ huynh không thể để mất nguồn thu nhập trong khi những người khác lại có mong muốn phát triển sự nghiệp vô cùng mạnh mẽ. Dù nguyên nhân là gì, điều này luôn đặt ra câu hỏi ai sẽ chăm sóc em bé trong giờ làm việc.
Hiện nay có khá nhiều lựa chọn như thuê người chăm sóc ban ngày, thuê bảo mẫu trọn gói hoặc nhờ bạn bè và gia đình giúp đỡ. Mỗi giải pháp đều có ưu và nhược điểm — cũng như chi phí riêng. Theo Child Care Aware of America, chi phí chăm sóc trẻ em trung bình hàng năm là $10,174, chiếm hơn 10% thu nhập trung bình của các gia đình có cả cha và mẹ và 35% thu nhập trung bình của các gia đình chỉ có cha hoặc mẹ.
Đánh giá thấp chi phí chăm sóc trẻ em có thể là vấn đề trong lập ngân sách chi tiêu hàng tháng ngay từ khi sắp sinh con. Nó có thể buộc các bậc phụ huynh phải đưa ra những quyết định khó khăn về chi tiêu hoặc thậm chí ảnh hưởng tới khả năng quay trở lại làm việc của họ. Nghiên cứu các lựa chọn và chi phí chăm sóc trẻ khác nhau ngay từ khi mang thai có thể giúp bạn tìm ra giải pháp khả thi và hợp túi tiền.
Sai lầm #3: Lãng phí vào nhà ở, nội thất
Khi xây dựng gia đình, tư duy truyền thống của người Việt là ‘an cư lạc nghiệp’ và thường coi ngôi nhà như một cách thể hiện đẳng cấp. Tuy nhiên, cơi nới nhà ở có thể là một sai lầm nghiêm trọng nếu bạn phải trả một khoản tiền thế chấp lớn hơn và cuối cùng sẽ trở thành gánh nặng chi tiêu trong tương lai.
Trước khi quyết định đầu tư nâng cấp nhà ở hoặc nội thất, hãy xem xét tình hình tài chính tổng thể. Ví dụ, nếu bạn đang trả các khoản vay mua nhà, thẻ tín dụng, vay tiêu dùng, vv.vv, bạn không có nhiều khả năng để hạn chế chi tiêu. Những thay đổi về thu nhập, dự kiến hoặc bất ngờ, cũng ảnh hưởng đến thu nhập của bạn.
Tuy nhiên, nếu bạn đang thuê nhà, bạn có thể xem xét việc mua nhà. Lựa chọn này có thể hợp lý—nếu làm như vậy giúp bạn tiết kiệm tiền chi phí nhà ở trong dài hạn. Bạn cũng cần phải có đủ tiền tiết kiệm để trang trải khoản trả trước và chi phí sinh con. Hãy thực hiện một vài phép tính về lãi suất để quyết định xem đã đến lúc chuyển từ thuê sang mua nhà hay chưa.
Sai lầm #4: Bỏ qua kế hoạch dài hạn khi sắp sinh con
Quyết định sinh con cũng đồng nghĩa với thay đổi mức độ ưu tiên cho một số mục tiêu tài chính nhất định. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không được bỏ lỡ bức tranh toàn cảnh hơn về lâu dài.
Ví dụ, một kế hoạch tài chính toàn diện thường bao gồm:
- Tiết kiệm để nghỉ hưu: Những bậc phụ huynh mới làm cha mẹ lần đầu, thường ở độ tuổi từ 25-35, nên bắt đầu lưu ý đến quỹ nghỉ hưu khi sinh con. Đừng coi đây là kế hoạch quá xa trước khi bạn nhận thấy số tiền tiết kiệm đã cạn sạch
- Tiết kiệm cho trường hợp khẩn cấp: Quỹ khẩn cấp có thể giúp trang trải các chi phí bất ngờ như sửa xe hoặc mất việc. Quy tắc ngón tay cái được sử dụng phổ biến nhất cho quỹ khẩn cấp là tiết kiệm chi phí từ ba đến sáu tháng nhưng các phụ huynh có thể cân nhắc tăng số tiền này, đặc biệt nếu dự định chỉ có cha hoặc mẹ đi làm.
- Tiết kiệm cho đại học: Vẫn còn nhiều năm nữa trước khi con bạn bước vào bậc đại học nhưng không bao giờ là quá sớm để bắt đầu tiết kiệm cho việc đó. Mở tài khoản tiết kiệm sớm sẽ cho bạn một khoản lãi suất phù hợp hàng năm hoặc các gói bảo hiểm giáo dục tương tự cũng đảm bảo tương lai cho em bé mới chào đời.
- Bảo hiểm nhân thọ: Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể cung cấp quyền lợi tử tuất cho những người thân yêu của bạn nếu có điều gì đó xảy ra. Khi có em bé mới chào đời, đó là thời điểm tốt để cha mẹ xem xét liệu bảo hiểm hiện tại của họ có đủ hay không hoặc mua bảo hiểm nhân thọ nếu chưa có.
- Lập kế hoạch về nhà đất: Kế hoạch về nhà đất có thể bao gồm các yếu tố cơ bản, chẳng hạn như di chúc và chính sách bảo hiểm nhân thọ, nhưng cũng có thể bao gồm ủy thác, giấy ủy quyền và chỉ thị chăm sóc sức khỏe dưỡng lão.
Sắp sinh con cần bao nhiêu tiền?
Số tiền cần tiết kiệm khi sắp sinh con phụ thuộc một phần vào chi phí dự tính của bạn. Ví dụ, chi phí để trả cho bác sĩ hoặc bệnh viện hay bất kỳ chi phí sinh nở nào không được bảo hiểm chi trả. Bạn cũng có thể muốn dành một khoản tiền để bù đắp cho khoản thu nhập thất thoát trong khi nghỉ phép chăm con. Và chúng tôi luôn khuyên bạn nên có một quỹ khẩn cấp để trang trải mọi chi phí không lường trước được có thể phát sinh.
Làm thế nào để duy trì tài chính ổn định sau khi có con?
Duy trì tình hình tài chính ổn định sau khi sinh con bắt đầu bằng việc lập kế hoạch kỹ lưỡng trước thời điểm em bé ra đời. Một số điều tốt nhất phụ huynh có thể làm để chuẩn bị bao gồm lập ngân sách sinh con hợp lý và tuân thủ, xem xét các gói bảo hiểm nhân thọ, xây dựng khoản tiết kiệm khẩn cấp, tự động đầu tư vào tài khoản hưu trí và trả càng nhiều nợ càng tốt.
Thai sản có những khoản hỗ trợ nào?
Các khoản hỗ trợ thai sản dù ít ỏi cũng có thể giúp bạn giảm bớt gánh nặng tài chính nên hãy tìm hiểu thật kĩ các chính sách này cũng như điều kiện nhận hỗ trợ để đảm bảo lợi ích của mình. Các công ty tư nhân có thể cung cấp một số ưu tiên cho nhân viên sắp sinh con như nghỉ phép có lương, tiền hỗ trợ thai sản, bảo hiểm thai sản.
Kết luận
Lập kế hoạch tài chính cho em bé sắp chào đời thường bao gồm chi phí mua sắm những thứ cần thiết và chuẩn bị tinh thần thật tốt. Khởi đầu thuận lợi về mặt tài chính đồng nghĩa với giảm bớt rất nhiều căng thẳng cho những người mới làm cha mẹ bởi quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh tiếp theo là vô cùng vất vả. Xem lại kế hoạch tài chính hiện tại có thể đảm bảo rằng bạn đang đi đúng hướng với các mục tiêu khi xây dựng gia đình và trải qua các giai đoạn quan trọng của cuộc đời.