Trong thời kỳ lạm phát cao, đồng tiền mất giá thì việc phạm phải các sai lầm lớn về tiền bạc lại càng gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Shark tank Kevin O’Leary đã chỉ ra những lỗi lớn hầu hết mọi người đều mắc phải.
Từ giá xăng đến các nhu yếu phẩm ở ngoài chợ hay mặt hàng trong cửa hàng tạp hóa đều đang ảnh hưởng đến ví tiền của tất cả chúng ta. Ở Mỹ, vào tháng 3, giá hàng tiêu dùng đã tăng 1,2% kể từ tháng 2 và 8,5% so với cùng kỳ năm 2021, theo dữ liệu gần đây nhất của Bộ Lao động nước nay. Có vẻ như với bất cứ khoản chi nào thì hiện tại chúng ta đều cần nhiều tiền hơn. Quản lý tiền bạc và chi tiêu thông minh trở nên cần kíp hơn bao giờ hết.
Ở Việt Nam hay nhiều quốc gia khác trên thế giới, người tiêu dùng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Giá xăng, giá hàng tiêu dùng, rau củ quả,… đều tăng suốt từ đầu năm đến nay. Trong khó khăn, nhiều người trong chúng ta thậm chí còn phạm phải những lỗi lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới tài khoản tích lũy và ví tiền.

Tránh lỗi lớn về tiền bạc trong thời kỳ lạm phát cao
Đối với shark tank Kevin O’Leary, chủ tịch O’Shares ETFs và “thẩm phán” tại “Tòa án tiền tệ” của đài CNBC, điều quan trọng nhất mà mọi người có thể làm với tiền của họ trong thời kỳ lạm phát cao là tránh giữ phần lớn số tiền đó trong tài khoản tiết kiệm lãi suất thấp.
“Ngay bây giờ trong tài khoản ngân hàng, bạn đang nhận được mức lãi suất rất thấp” O’Leary nói. “Và lạm phát thì cao, vì vậy, bạn đang thực sự bị lỗ vốn sau mỗi 12 tháng”. Nói cách khác, nếu tài khoản ngân hàng của bạn đang cho bạn lãi suất 0,01% mỗi tháng, nhưng lạm phát ở mức 6%, giá trị tiền của bạn thực sự giảm 5,99% trong khung thời gian đó.
O’Leary cho biết khi còn trẻ, ông đã “học được bằng một cách khó khăn” rằng ngân hàng không phải là nơi tốt để giữ tiền bạc của mình vì tài khoản tiết kiệm kiếm được rất ít tiền lãi. “Tôi nhận ra rằng ‘Chà, tôi không kiếm được gì trên số tiền này’ và tôi phải học cách đầu tư”, ông nói. “Đó chính xác là những gì tôi đã làm”.
Kevin O’Leary đồng ý với quan điểm của các chuyên gia tài chính, đầu tư khác bao gồm cả huyền thoại Warren Buffett khuyên mọi người nên bỏ tiền của họ vào các quỹ chỉ số, vốn sẽ tự động được đa dạng hóa. Bất chấp sự biến động của thị trường, O’Leary chỉ ra rằng cổ phiếu S&P 500 theo truyền thống đã vượt qua lạm phát.
Ngay cả khi thị trường chứng khoán đang giảm, các chuyên gia thường khuyên bạn nên tiếp tục trong dài hạn và đừng vội bán ra. Một phân tích gần đây của J.P. Morgan cho thấy 10 ngày tốt nhất của thị trường kể từ năm 2002 xảy ra sau những đợt sụt giảm mạnh, bao gồm thông tin tham chiếu đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và sự sụp đổ của thị trường năm 2020 khi bắt đầu đại dịch.
Nếu bạn đầu tư 10.000 USD vào S&P 500 vào đầu năm 2002, bạn sẽ có hơn 61.000 USD vào cuối năm 2021 nếu bạn nắm giữ tất cả các khoản đầu tư của mình, so với chỉ 28.260 USD nếu bạn bỏ lỡ 10 ngày tốt nhất của thị trường, CNBC đưa tin.
Nói chung, O’Leary không hoàn toàn phản đối việc giữ tiền bạc của mình trong tài khoản tiết kiệm. Ông khuyến nghị mọi người “nên chuẩn bị sẵn 3 tháng lương trong trường hợp khẩn cấp”, nhưng nói rằng để dành nhiều hơn nữa dẫn đến mất tiền một cách không cần thiết vì lạm phát.
“Tiết kiệm bằng tiền mặt trong tài khoản ngân hàng về cơ bản không có lãi suất, nhất là sau lạm phát”, ông nói. “Đầu tư đang theo kịp với thị trường chứng khoán và vốn chủ sở hữu. Và tôi nghĩ rằng bạn phải thực sự hiểu sự khác biệt giữa hai điều này”.
Quản lý tiền bạc dựa trên quản lý chi tiêu
Thay vì tiết kiệm một cách không hiệu quả, tất cả các chuyên gia đều khuyên bạn nên đầu tư để kiếm ra nhiều tiền hơn, ít nhất là tỷ lệ sinh lời vượt qua được tỷ lệ lạm phát. Trên thực tế, chưa nói đến đầu tư đa dạng để kiếm nhiều tiền hơn, nguyên tắc đơn giản tất cả chúng ta cần biết là thắt chặt chi tiêu để kiểm soát tiền bạc tốt nhất có thể.
Điều này không có nghĩa là tằn tiện quá mức, nhưng trong thời kỳ kinh tế khó khăn vì lạm phát và nhiều nguy cơ chưa xác định, càng tiết kiệm chi tiêu sẽ càng an toàn hơn. Lập ngân sách, tuân thủ kế hoạch ngân sách và chắc chắn rằng tiền bạc bạn sở hữu đang đi đúng hướng.