Quan hệ quyết định khả năng thăng tiến trong môi trường cơ quan, công sở đã trở thành một trong những “luật bất thành văn” mà hầu hết chúng ta đều thừa nhận. Thế nhưng, liệu quan hệ có hoàn toàn quan trọng hơn năng lực làm việc?

Tầm quan trọng của quan hệ trong thăng tiến

Không chỉ ở Việt Nam mà đối với hầu hết văn hóa các nước châu Á, cơ hội việc làm và thăng tiến phụ thuộc rất nhiều vào những mối quan hệ mà bạn xây dựng được. Thực tế, ngay cả khi năng lực của bạn chưa phải người xuất sắc, nổi bật nhất trong đám đông nhưng nếu có những mối quan hệ nhất định trong công việc, lĩnh vực thì cơ hội việc làm hay thăng chức, tăng lương vẫn sẽ cao hơn.

Về cơ bản, các mối quan hệ sẽ giúp bạn học hỏi từ những người giỏi giang hơn, phát triển bản thân tích cực hơn, có được các thông tin về những cơ hội thăng tiến, việc làm sớm hơn và nắm bắt cơ hội tốt hơn. Đặc biệt trong nhiều ngành nghề đặc thù yêu cầu cao ở mức độ uy tín của một cá nhân hoặc trong kinh doanh, quan hệ sẽ vô cùng hữu ích.

Vòng kết nối và các mối quan hệ có ảnh hưởng đáng kể đến cơ hội thăng tiến ở Việt Nam. (Ảnh: HR Solutions)

Những kiểu quan hệ cần thiết để thăng tiến

Mới đây, một bài đăng trên group về việc “ông chủ” BKAV Nguyễn Tử Quảng kêu gọi vốn đầu tư cho Bphone với hiệu suất đầu tư lên đến 130% đã thu hút sự chú ý và quan tâm của rất nhiều người. Điều đáng nói, điều kiện để góp vốn chỉ từ 100 triệu, trong khi lợi nhuận và các “phần thưởng” tiềm năng có thể rất cao nhưng chỉ dành riêng cho các Bfans đã tham gia nhóm từ 1 năm trở lên.

Việc xây dựng một cộng đồng những người cùng quan tâm đến một nội dung, hạng mục, sở thích,… đã bước đầu xây dựng lên một cộng đồng có sự kết nối và hình thành các mối quan hệ. Như chiến lược của Bphone, cho dù bạn cảm thấy thỏa thuận đầu tư là vô cùng tiềm năng và có lợi, muốn tham gia nhưng nếu thiếu quan hệ thì bạn vẫn không thể tham gia.

Nhìn chung, các mối quan hệ cần thiết cho công việc, thăng tiến và tác động tới cơ hội thành công của một cá nhân gồm có:

– Quan hệ trong cùng một ngành nghề, lĩnh vực (quan hệ với đồng nghiệp và sếp tại nơi làm việc, quan hệ xây dựng trong các hội thảo, diễn đàn chuyên ngành, quan hệ với đàn anh, đàn chị hoặc đàn em trong cùng khoa từ trường đại học,…).

– Quan hệ thân thiết ngoài công việc cũng có thể hữu ích trong giới thiệu việc làm, giới thiệu các mối quan hệ khác.

– Quan hệ cùng sở thích, mối quan tâm với một vấn đề, sở thích, sản phẩm.   

Nâng cao năng lực làm việc và mở rộng các mối quan hệ để thành công

Quan hệ không quyết định 100% cơ hội thăng tiến nhưng chắc chắn cũng chiếm từ 60 – 70%. Thay vì cho rằng thăng tiến bằng các mối quan hệ là “lạm dụng chức quyền”, “đi cửa sau”, có lẽ chúng ta cần nhìn vào một thực tế rằng những người có mạng quan hệ rộng và những mối quan hệ thân thiết đều là người có khả năng giao tiếp, lãnh đạo, kết nối. Không một mối quan hệ nào được duy trì nếu không đầu tư tình cảm, thời gian, tâm huyết và khi bạn làm được như vậy, đó là tài năng, kỹ năng mềm của bạn.

Dĩ nhiên, không có nhiều trường hợp mà một cá nhân hoàn toàn không có năng lực nhưng vẫn nhờ mối quan hệ để thăng tiến lên các vị trí cấp cao. Các quan hệ giúp bạn có thêm nhiều cơ hội, nhưng thiếu đi năng lực làm việc thực tế thì tất cả sẽ trở nên vô nghĩa. Dù bắt đầu một vị trí, thăng chức, tăng lương nhờ quan hệ thì bạn vẫn cần liên tục học hỏi để đáp ứng các yêu cầu của vai trò mới.

Năng lực chuyên môn giúp bạn nâng cao cơ hội thăng chức gồm có các kiến thức chuyên ngành, nghiệp vụ và kỹ năng cứng (kỹ năng kỹ thuật). Trong khi đó, bạn cũng đừng quên tập trung phát triển các mối quan hệ ở nơi làm việc như thân thiện hòa đồng với đồng nghiệp, khéo léo và chứng minh năng lực với cấp trên, có các mối quan hệ tin cậy trong ngành,…

Nhìn chung, cơ hội thăng tiến ở trong tầm tay bạn và dù là năng lực chuyên môn hay các kỹ năng mềm để mở rộng mạng kết nối cũng đều quan trọng nên cần được chú tâm và đầu tư xây dựng.