Lợi nhuận quý 3 của Samsung Electronics Co Ltd có thể giảm 25%, mức giảm đầu tiên trong gần 3 năm qua do suy thoái kinh tế toàn cầu, giảm thu nhập dẫn đến giảm nhu cầu đối với các thiết bị điện tử và chip cung cấp năng lượng.

Trên toàn thế giới lạm phát đang gia tăng, các ngân hàng trung ương cố gắng mạnh tay tăng lãi suất nhưng vẫn chưa thể khắc phục khó khăn. Những mối lo ngại về suy thoái kinh tế đang gia tăng và sự không chắc chắn về hậu quả từ cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn luôn hiện hữu. Kết quả là, các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng đã tiết chế chi tiêu, đến “ông lớn” Samsung cũng được dự đoán sẽ lỗ tới hàng chục phần trăm lợi nhuận trong quý này.

Lợi nhuận Samsung giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát, suy thoái

Lợi nhuận hoạt động của Samsung, nhà sản xuất chip và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới có thể sẽ giảm xuống còn 11,8 nghìn tỷ won (8,3 tỷ USD) trong quý 3 (tháng 7 – 9), theo Refinitiv SmartEs với ước tính từ 22 nhà phân tích.

Ông Greg Roh, trưởng nhóm nghiên cứu của Hyundai Motor Securities cho biết: “Là nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới, đứng đầu về TV và màn hình OLED di động, và đứng đầu về số lượng xuất xưởng điện thoại thông minh, Samsung rất nhạy cảm với nền kinh tế, đặc biệt là mối liên hệ giữa lợi nhuận với nhu cầu mua hàng”.

Đây sẽ là mức giảm lợi nhuận đầu tiên kể từ quý đầu tiên của năm 2020 trước khi đại dịch xảy ra và là mức lợi nhuận hàng quý thấp nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2021. Trong đại dịch, nhu cầu thiết bị đã tăng mạnh do mọi người buộc phải ở nhà, làm việc từ xa nên đã mang lại lợi nhuận lớn cho gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi kinh tế ngày càng khó khăn, người tiêu dùng buộc phải hạn chế chi tiêu nên hoạt động kinh doanh của Samsung cũng không còn được như xưa.

Lợi nhuận Samsung ước tính giảm tới 25% trong quý 3/2022. (Nguồn: Reuters)

Lợi nhuận hoạt động kinh doanh chip của Samsung có thể giảm gần 1/3 xuống còn 6,8 nghìn tỷ won. Giá một số chip nhớ DRAM, được sử dụng rộng rãi trong điện thoại thông minh và PC, đã giảm 14% trong quý trong khi giá chip flash NAND, được sử dụng trong lưu trữ dữ liệu của Samsung cũng giảm 8% (theo kết quả phân tích của TrendForce).

Samsung sẽ công bố kết quả sơ bộ về hoạt động cổ phiếu vào khoảng 8h40 giờ địa phương vào ngày 5/10 (23h40 GMT ngày 6/10). Trên thực tế, cổ phiếu Samsung đã giảm khoảng 30% trong năm nay, trong khi một số ước tính dựa theo chỉ số Philadelphia Semiconductor cho thấy con số thực tế có thể lên tới 37%.

Mảng kinh doanh di động của Samsung cũng dự kiến ​​sẽ chứng kiến ​​lợi nhuận sụt giảm với dự báo giảm 17% xuống 2,8 nghìn tỷ won, mặc dù sự ra mắt của các dòng điện thoại gập lại mới trong quý đã làm tăng giá bán trung bình.

Ông Kim Yang-jae, nhà phân tích tại Daol Investment & Securities, ước tính lượng xuất xưởng điện thoại thông minh của Samsung giảm 11% trong quý so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn khoảng 62,6 triệu chiếc smartphone sau khi các kênh phân phối cắt giảm đơn đặt hàng. Đối thủ chip nhớ của Samsung – Micron Technology tuần trước đã cắt giảm đáng kể các khoản đầu tư cho năm tới và cảnh báo về thời gian khó khăn hơn sắp tới của toàn bộ ngành công nghiệp nói chung.

Samsung Latam ra mắt Trải nghiệm Metaverse ‘House of Sam’ tại Decentraland

Trong một diễn biến khác, Samsung Latam – bộ phận khu vực Mỹ Latinh của công ty điện tử châu Á này đã quyết định dành một không gian trực tuyến để tăng khả năng hiển thị thương hiệu của mình trong thế giới kỹ thuật số. Công ty sẽ duy trì một không gian có tên “House of Sam” ở Decentraland, một trong những nền tảng metaverse (vũ trụ ảo) lớn nhất dựa trên Ethereum.

Theo các báo cáo, mục tiêu của động thái này là đưa thương hiệu đến gần hơn với thế hệ người tiêu dùng mới sử dụng metaverse như một công cụ. Không gian đã mở cửa cho người dùng, ra mắt từ ngày 1/9 với nhiều màn trình diễn ảo ấn tượng.

Về việc ra mắt không gian kỹ thuật số mới này và các mục tiêu của nó, ông Arthur Wong, giám đốc tiếp thị của Samsung Latam cho biết: “Khách hàng của chúng tôi sẽ có thể tương tác với nhau và tham gia vào các chương trình, khóa học và sự kiện độc quyền mà Samsung cung cấp miễn phí tại Decentraland, một trong những không gian dân chủ và cởi mở nhất trong metaverse. Mục tiêu của chúng tôi là ngày càng đến gần hơn với Gen Z, những người tiêu dùng trẻ tuổi không còn ranh giới giữa những gì là vật lý và những gì là ảo”.

House of Sam cũng sẽ cung cấp một loạt các trò chơi nhỏ liên quan đến thương hiệu, trao giải thưởng cho người dùng dưới dạng thiết bị đeo độc quyền cho hình đại diện của hãng tại Decentraland. Một số sản phẩm mang tính biểu tượng nhất của thương hiệu Samsung cũng có mặt trong không gian ảo, bao gồm cả máy chiếu di động Freestyle.

Đây là một trong nhiều động thái mà Samsung đã thực hiện trực tiếp tại metaverse, mặc dù công ty cũng đã hoạt động trong thị trường NFT (mã thông báo không thể thay thế) và kinh doanh chip khai thác bitcoin. Hồi tháng 7, Samsung đã tung ra một trải nghiệm metaverse khác có tên Space Tycoon như một phần của nền tảng Roblox. Trước đó đầu năm nay, công ty đã mở cửa hàng riêng của mình tại Decentraland.