Thông qua nghiên cứu của Michele Borba với tư cách là một nhà tâm lý học trẻ em, cô nhận thấy rằng tính kiên trì là kỹ năng mềm số 1 giúp những đứa trẻ có động lực và thành công trong học tập, sự nghiệp và cuộc sống.

Cha mẹ muốn con thành công và có một cuộc sống dễ dàng trong tương lai, tuy nhiên, chỉ số thông minh IQ không quyết định nhiều. Trên thực tế, đa số các nghiên cứu đã chứng minh rằng kỹ năng mềm, hay là một phẩm chất được rèn luyện – sự kiên trì đóng vai trò quan trọng nhất quyết định con bạn sẽ trở thành một người như thế nào trong tương lai.

Những đứa trẻ có lòng kiên trì sẽ không bỏ cuộc khi gặp thất bại. Chúng tin rằng nỗ lực của mình sẽ được đền đáp, vì vậy chúng luôn có động lực để làm việc chăm chỉ và hoàn thành những gì đã bắt đầu trước đó.

9 cách cha mẹ giúp trẻ xây dựng tính kiên trì

Bảo vệ trẻ khỏi những yếu tố làm chúng nản lòng

Để con hình thành và duy trì tính kiên trì, hãy bảo vệ khả năng tập trung của con bạn bằng cách tuân thủ thói quen ngủ đều đặn và đúng giờ. Luôn tắt các thiết bị 1 giờ trước khi đi ngủ và để màn hình bên ngoài phòng ngủ vào ban đêm.

Những đứa trẻ kiên trì dễ thành công trong công việc, cuộc sống. (Ảnh: CNBC)

Bên cạnh đó, ap lực phải thành công có thể gây ra cảm giác choáng ngợp cho trẻ (và cho cả người lớn). Hãy bày tỏ với con bạn rằng tình yêu của bạn không phụ thuộc vào thành công của chúng. Sau đó, đừng quên bỏ qua tính thành tích, xây dựng lối tư duy rằng thành công không có tiêu chuẩn và những tiêu chí cố định. Hãy khen ngợi con bạn vì chính những nỗ lực của chúng chứ không phải kết quả.

Cuối cùng, hãy đặt kỳ vọng cho con cao hơn một chút so với trình độ và kỹ năng hiện tại của chúng. Kỳ vọng quá cao có thể gây lo lắng, trong khi kỳ vọng quá thấp có thể dẫn đến buồn chán.

Dạy con rằng sai lầm là cơ hội phát triển và thành công

Nhắc con bạn rằng sai lầm có thể là một điều tích cực, ngay cả khi tình huống không diễn ra theo cách chúng mong đợi. Phụ huynh cần dạy con cách nhận lỗi, và sau đó động viên chúng rằng: “Không sao cả. Điều quan trọng là con đã cố gắng”. Bên cạnh đó, chính cha mẹ cũng phải nhận ra sai lầm của mình, từ đó dạy con rằng mọi người đều mắc sai lầm, và thành công sẽ xảy ra khi chúng ta không để thất bại định hình.

Chia nhỏ các nhiệm vụ, hoàn thành từng việc một

Dạy con bạn chia các nhiệm vụ lớn thành các phần nhỏ hơn, dễ quản lý hơn sẽ giúp chúng cảm thấy tự tin hơn trong việc hoàn thành mọi việc theo thời gian. Ví dụ, nếu chúng cảm thấy choáng ngợp với số lượng bài tập lớn, cha mẹ hãy hướng dẫn con sắp xếp các bài theo thứ tự từ dễ đến khó và hoàn thành từng bài một.

Ăn mừng những chiến thắng dù nhỏ

Thất bại lặp đi lặp lại có thể phá hủy sự kiên trì, nhưng thành công nhỏ nhất có thể khuyến khích trẻ tiếp tục, vì vậy hãy giúp trẻ xác định những chiến thắng nho nhỏ của mình. Ví dụ: “Lần trước con đã đánh vần đúng 6 từ. Hôm nay con đã đánh vần được 8 từ rồi, thật tuyệt vời!, Con đang tiến bộ nhờ sự chăm chỉ của mình!”.

Kéo dài sự tập trung của trẻ

Nếu con bạn muốn bỏ cuộc, không tiếp tục làm bài tập chẳng hạn, cách tốt nhất là đặt đồng hồ trên bàn và đề nghị con tập trung trong thời gian nhất định, dù là thời gian ngắn nhưng ít nhất hãy yêu cầu chúng kiên trì đến khi hết giờ, nghỉ ngơi rồi quay lại để tiếp tục bài tập còn dang dở.

Khuyến khích con xem chúng có thể hoàn thành bao nhiêu bài tập trước khi chuông reo để chúng thấy mình đang thành công. Theo thời gian, việc tập trung sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Xác định vấn đề trẻ gặp phải

Khi trẻ bỏ cuộc, đó có thể là do chúng không thể nhìn thấy con đường thoát khỏi thử thách. Bắt đầu bằng cách thừa nhận, đồng cảm với trẻ và bày tỏ rằng đó là cảm giác bình thường, hướng dẫn chúng tập thở, giữ bình tĩnh và nghỉ ngơi. Sau đó, động viên con quay lại nhiệm vụ, hãy xem liệu bạn có thể giúp trẻ xác định một vài vấn đề đang cản đường hay không.

Khen ngợi nỗ lực kiên trì

Nhà tâm lý học Stanford Carol Dweck đã phát hiện ra rằng khi những đứa trẻ được khen ngợi vì trí thông minh của chúng (ví dụ “Con thật thông minh!”), chúng sẽ khó mà kiên trì hơn. Tuy nhiên, khi được khen ngợi về nỗ lực như là “con đã làm việc rất chăm chỉ, làm tốt lắm” thì trẻ sẽ có động lực và làm việc chăm chỉ hơn. Để kéo dài sự kiên trì, hãy khen ngợi nỗ lực của con bạn, không phải điểm số hoặc thành tích của chúng.

Hãy đưa ra những câu nói “bám sát thực tế”

Những lời tự nhủ tiêu cực như “Tôi không thể làm được” hoặc “Tôi không đủ thông minh” làm mất đi sự kiên trì. Giúp con bạn ghi nhớ một câu ngắn gọn và tích cực để chúng tự động viên bản thân khi mọi việc không như ý, chẳng hạn như: “Mọi thứ không nhất thiết phải hoàn hảo. Con sẽ ngày càng tốt hơn nếu con tiếp tục cố gắng”.

Khuyến khích trẻ tự tìm hiểu

Một trong những quy tắc nuôi dạy con cái hàng đầu là đừng bao giờ làm điều gì đó cho con trong khi chúng có thể tự hoàn thành. Mỗi lần bạn xử lý tất cả cho con, chúng sẽ càng bị phụ thuộc vào bạn và khó thành công khi có tính ỷ lại, không kiên trì.