Để học cách kiểm soát tiền bạc chỉ trong bảy ngày hoặc thậm chí ít hơn, bạn có thể bắt đầu với một danh sách việc cần làm khá đơn giản. Danh sách này bao gồm 7 điều bạn cần thực hiện trong một tuần—mỗi ngày một việc—để lấy lại cân bằng tài chính và tránh những khoản thâm hụt trong tương lai. Cụ thể hơn, các bước chính sẽ là:

  • Ngày 1: Kiểm kê tình hình tài chính
  • Ngày 2: Tái thiết lập ngân sách
  • Ngày 3: Trả nợ
  • Ngày 4: Xây dựng quỹ khẩn cấp
  • Ngày 5: Đóng bảo hiểm xã hội
  • Ngày 6: Kiểm tra điểm tín dụng (CIC)
  • Ngày 7: Biến mục tiêu thành hiện thực

Danh sách kiểm tra này sẽ giúp bạn tập trung vào kĩ năng tự chăm sóc bản thâh và kiểm soát tiền bạc. Tình trạng tài chính lành mạnh bao gồm 4 yếu tố chính: đảm bảo thanh toán các hóa đơn đúng hạn, kế hoạch cho các chi phí bất ngờ, tự do lựa chọn cách chi tiêu và theo đuổi những mục tiêu tài chính dài hạn. Danh sách 7 điều cần làm ở trên bao quát cả 4 yếu tố này nhưng hãy nhớ rằng thành công trong tài chính còn được quyết định bởi nhiều yếu tố, bao gồm thái độ của bạn với tiền bạc, việc ra quyết định và hành vi.

kiểm soát tiền bạc

Ngày 1: Kiểm kê tình hình tài chính hiện tại

Việc đầu tiên trong danh sách kiểm tra tài chính cũng là mục bạn không thể bỏ qua nếu muốn cam kết thúc đẩy tình hình tài chính và kiểm soát tiền bạc tốt hơn. Khi bạn nắm rõ được tình hình hiện tại, bạn mới biết cách điều chỉnh kế hoạch để có được nền tảng tài sản an toàn. hãy bắt đầu đánh giá tình hình tiền bạc bằng việc đặt những câu hỏi phù hợp và xem xét những điều phù hợp. Bảng ngân sách là khởi đầu tuyệt vời.

Dưới đây là một số câu hỏi quan trọng nhất cần đặt ra khi kiểm kê dòng tiền:

  • Bạn thu về bao nhiêu tiền mỗi tháng?
  • Thu nhập đó có ổn định không?
  • Bạn được trả bao lâu một lần và bạn phân bổ tiền như thế nào cho các hóa đơn?
  • Hóa đơn định kỳ hàng tháng là bao nhiêu, gồm những khoản nào?
  • Bạn có đang bội chi trong khoản nào không?
  • Bao nhiêu ngân sách đang dành để trả nợ?
  • Bạn có bao gồm tiền tiết kiệm trong bảng ngân sách không?

Nắm được thông tin cơ bản về thu nhập và chi tiêu là nền tảng cho mục tiêu tự kiểm soát tiền bạc nhưng nhìn vào bức tranh tài chính lớn hơn mới là điều quan trọng.

Ví dụ, nếu bạn đang có một vài khoản nợ, bạn phải biết bạn nợ tiền ai, số tiền là bao nhiêu, lãi suất phải trả là bao nhiêu và tổng số tiền phải trả hàng tháng chiếm bao nhiêu % thu nhập. Thông tin này sẽ rất hữu ích khi bước sang ngày thứ 3 trong quá trình kiểm soát tiền bạc này.

Ngày 2: Tái thiết lập ngân sách

Một bảng ngân sách không nhất thiết phải cố định. Dù thu nhập của bạn có thể tương đối ổn định hàng tháng nhưng chi tiêu lại có thể nhiều hơn hoặc ít hơn vào các thời điểm khác nhau. Lập biểu đồ chi tiêu trên bảng tính ngân sách sẽ giúp chúng ta dễ dàng phát hiện ra các khoản chi này.

Khi đã tạo bảng tính ngân sách, hãy phân tích lại để xác định những khoản chi tiêu lãng phí mỗi tháng và khả năng cắt giảm. Chẳng hạn, một số chi phí rõ ràng cần cắt giảm có thể bao gồm:

  • Các dịch vụ phát trực tuyến hoặc đăng ký theo tháng bạn không sử dụng
  • Tư cách thành viên định kỳ mà bạn không thực sự cần (ví dụ: phòng tập gym)
  • Các hoạt động vui chơi giải trí khác
  • Bất cứ thứ gì không cần thiết (đồ điện tử, quần áo, bữa tối đắt tiền, v.v.)

Ngoài những chi phí kể trên, còn nhiều giải pháp kiểm soát tiền bạc khác thông qua cắt giảm ngân sách. Chẳng hạn, bạn có thể giảm chi phí bảo trì xe cộ hoặc xăng xe hằng tháng bằng cách lựa chọn một dòng xe tiết kiệm xăng hay thậm chí là lựa chọn nơi ở di chuyển tiện lợi hơn.

Ngày 3: Trả hết nợ

Nợ là một rào cản lớn trên con đường dẫn đến tài chính bền vững. Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, nợ của các hộ gia đình đạt ngưỡng 16,51 nghìn tỷ USD trong quý III năm 2022. Dù vậy, nợ thẻ tín dụng, thế chấp hay khoản vay đều có nhiều cách để thanh toán.

Nếu bạn có các khoản nợ đang trả qua thanh toán tự động thì trước tiên phải xem lại lịch sử giao dịch để đảm bảo bạn có đủ tiền thanh toán. Bước này có thể giúp tránh các khoản phí thấu chi tốn kém hoặc tiền phạt thanh toán trễ nếu giao dịch chi trả không thành công.

Tiếp theo, hãy cân nhắc cách thức trả nợ nếu bạn còn dư tiền sau khi đã trang trải chi phí thiết yếu. Với các khoản nợ lãi suất cao, số tiền dư đó nên được sử dụng để thanh toán nợ nhanh hơn. Xóa nợ lãi suất cao càng sớm, tiền có thể tiết kiệm được càng nhiều. Có một số chiến lược khá phổ biến bạn nên thử, chẳng hạn như chiến lược trả nợ quả cầu tuyết hoặc tuyết lở.

Tuy nhiên, lưu ý rằng bạn có thể muốn phân bổ thêm tiền cho quỹ tiết kiệm nếu chưa có bất cứ giải pháp dự phòng nào vào những thời điểm khẩn cấp. Theo một nghiên cứu năm 2018 của Cục Dự trữ Liên bang, khoảng 40% hộ gia đình Mỹ thậm chí không thể chi trả nổi 400 USD cho các trường hợp khẩn cấp. Nếu không có tiền để dành, việc tích lũy khoản tiết kiệm sẽ giúp bạn không mắc thêm nợ bằng qua thẻ tín dụng hoặc vay nóng bên ngoài.

Ngày 4: Xây dựng quỹ khẩn cấp

Mục đích của quỹ khẩn cấp là giải quyết vấn đề tài chính cho những việc ngoài kế hoạch hay tình huống tài chính không mong đợi – những yếu tố có thể phá hoại toàn bộ nỗ lực kiểm soát tiền bạc của bạn. Mọi thứ đều cần thời gian để xây dựng nên hãy bắt đầu ngay khi có thể với số tiền nhất định.

Ví dụ, nếu bạn bị sa thải hoặc bị bệnh và không thể làm việc, quỹ khẩn cấp sẽ giúp trang trải các hóa đơn cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường. Bạn cũng có thể rút tiền tiết kiệm khẩn cấp để thanh toán cho những thứ như hóa đơn bác sĩ, sửa xe hoặc chi phí quan trọng khác mà bạn không lường trước được.

Số tiền tiết kiệm tùy thuộc vào nhu cầu của bạn, dù các chuyên gia tài chính thường khuyên phải góp đủ chi phí cho 3-6 tháng. Một nguyên tắc khác nên áp dụng là tiết kiệm một số tiền nhất định cho mỗi thành viên trong gia đình. Nếu gia đình bạn có 4 người, mục tiêu tiết kiệm nên là 2.500 USD/ người với tổng số 10.000 USD cho quỹ khẩn cấp.

Một cách hiệu quả để tiết kiệm là thêm mục này vào bảng ngân sách dưới dạng chi phí định kỳ. Bằng cách coi khoản tiết kiệm như một hóa đơn phải thanh toán, bạn có thể đảm bảo được rằng khoản dự trữ khẩn cấp sẽ tăng lên ổn định.

Ngày 5: Đóng bảo hiểm xã hội

Dù bạn có thể chưa quan tâm đến khoản tiết kiệm hưu trí nhưng có mục này trong danh sách kiểm soát tiền bạc là rất quan trọng. Biết số tiền đang tiết kiệm (hoặc không tiết kiệm) khi nghỉ hưu sẽ xác định khả năng đạt được tự do tài chính một cách đáng kể, đặc biệt nếu bạn đang ở độ tuổi ngoài 40.

Tại Việt Nam, đóng bảo hiểm xã hội thông qua cơ quan làm việc hoặc theo dạng tự nguyện thường là cách dễ dàng nhất để bắt đầu chuẩn bị tài chính cho thời điểm nghỉ hưu. Rất nhiều công ty chính quy có chính sách đóng bảo hiểm cho nhân viên nên nếu bạn không chắc liệu mình đã được đăng ký hay chưa, hãy liên hệ với bộ phận nhân sự. Ngoài ra, nếu bạn làm việc cho một công ty không có chính sách này, hãy tham khảo cách đóng bảo hiểm tự nguyện tại ủy ban xã, phường nguyên quán.

Ngược lại, nếu bạn không có kế hoạch dựa vào tiền nghỉ hưu tại công ty hoặc cơ quan, chuẩn bị sẵn một sổ tiết kiệm hoặc tiền bảo hiểm ngoài là lựa chọn khá ổn định. Nhiều ngân hàng đang có mức lãi suất tiết kiệm rất cao trong khi các công ty bảo hiểm quốc tế cũng đang cạnh tranh về chất lượng dịch vụ cho các gói bảo hiểm tuổi già.

Khi lên kế hoạch kiểm soát tiền bạc cho giai đoạn nghỉ hưu hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng quý, hãy chú ý đến những yếu tố:

  • Số tiền phải đóng mỗi tháng và mỗi năm
  • Các khoản đầu tư chính của bạn là gì?
  • Các khoản đầu tư nào đang sinh lãi?
  • Bạn có đang phải trả khoản phí dịch vụ nào không?

Phần cuối cùng đặc biệt quan trọng khi kiểm soát tiền bạc vì chi phí giao dịch có thể ăn mòn tiền lãi theo thời gian và cần được cắt giảm tối đa.

Ngày 6: Kiểm tra điểm tín dụng

Việc tự kiểm tra điểm tín dụng (CIC) không ảnh hưởng đến báo cáo hoặc điểm tín dụng cá nhân. Vì vậy, hãy thêm bước này vào thói quen kiểm soát tiền bạc hàng tuần. Điểm tín dụng tăng hay giảm theo thời gian thể hiện rất rõ sức khỏe tài chính của bạn. Cách dễ dàng nhất là truy cập vào trang web tra cứu CIC, đăng ký tài khoản và kiểm tra.

Những việc như thanh toán hóa đơn đúng hạn, giữ số dư thẻ tín dụng ở mức thấp, giữ tài khoản cũ mở và chỉ đăng ký tín dụng mới một cách tiết kiệm sẽ có tác động tích cực đến tín dụng của bạn. Ngược lại, thanh toán trễ, tiêu gần hết hạn mức tín dụng và mở nhiều tài khoản tín dụng trong khoảng thời gian ngắn làm giảm điểm CIC.

Ngoài ra, hãy xem lại bảng sao kê thẻ tín dụng mỗi tháng để kiểm tra tổng chi tiêu và lãi suất phải trả nếu bạn đang có dư nợ. Đây cũng là cơ hội tốt để phát hiện các giao dịch đáng ngờ, các khoản trừ tự động…

Ngày 7: Biến các mục tiêu kiểm soát tiền bạc thành hiện thực

Đặt ra mục tiêu tài chính cụ thể là một khía cạnh quan trọng khác của quá trình kiểm soát tiền bạc. Rất nhiều thứ có trong danh sách này đang ảnh hưởng đến tình hình tài chính hiện tại của bạn nhưng chúng ta không thể lơ là các vấn đề tương lai dài hạn.

Hãy tự hỏi bản thân mục tiêu tài chính của mình là gì. Đó có thể là một việc đơn giản như đi du lịch, mua một chiếc xe mới hoặc điều gì đó lớn hơn như mua nhà. Khi bạn suy nghĩ thật kỹ về các mục tiêu, hãy đồng thời tạo một lộ trình để đạt được.

Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là trả hết khoản vay mua nhà là 20.000 USD trong 2 năm tới với khoản thanh toán hàng tháng hiện tại là 500 USD và lãi suất là 7%.

Trong trường hợp này, danh sách kiểm soát tiền bạc có thể như sau:

  • Thanh toán nợ đúng hạn để giảm lãi suất
  • Tăng khoản thanh toán hàng tháng lên 875 USD
  • Rà soát ngân sách để thêm 375 USD trả nợ
  • Tìm kiếm thêm thu nhập thông qua công việc ngoài giờ, tái đầu tư,…
  • Tận dụng bất kỳ vận may tiền bạc nào như hoàn thuế hoặc tiền được cho tặng vào khoản trả nợ hàng tháng

Thay vào đó, nếu tiết kiệm 20.000 USD là mục tiêu của bạn, hãy sử dụng phương pháp tương tự như sau:

  • Mở tài khoản tiết kiệm lãi suất cao để kiếm được tỷ suất phần trăm hàng năm (APY) tốt nhất
  • Rà soát lại ngân sách để thêm 875 USD tiết kiệm mỗi tháng
  • Bắt đầu một công việc ngoài giờ hoặc sử dụng các ứng dụng hoàn tiền để tiết kiệm tối đa
  • Tăng số tiền tích lũy nhanh hơn bằng cách tái đầu tư hoặc thêm các khoản thu nhập bất ngờ khác vào tài khoản tiết kiệm

Các mục tiêu tài chính phải đặc biệt cụ thể, có thể đo lường, khả thi, logic và có thời hạn. Bên cạnh đó, hãy đảm bảo rằng bạn đang theo dõi tiến trình hàng tuần, hàng tháng và hàng năm để đưa ra điều chỉnh hợp lý kịp thời.