Bất chấp việc bạn có bằng cấp cao hay trí thông minh thế nào, trong đầu tư rất khó để thành công nếu áp dụng cứng nhắc các phương pháp cố định, và rõ ràng nhà đầu tư kỳ cựu cũng không thể lúc nào cũng đưa ra quyết định tốt nhất.

Về cơ bản, tất cả chúng ta đều là con người – nghĩa là bạn được lập trình sẵn để phản ứng theo những cách nhất định phù hợp với bạn trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta lại có xu hướng đi ngược lại với các quyết định đầu tư thông minh.

Nhà tâm lý học Daniel Crosby tác giả cuốn “Nhà đầu tư hành vi” nói: “Trí thông minh cao không chỉ không phải là vật liệu cách nhiệt [chống lại các quyết định tài chính tồi tệ] mà còn có thể là một dấu hiệu cảnh báo. Khác với quan điểm thông thường, thực tế nếu bạn nhận thức được sự bình thường của mình khi tham gia thị trường, điều đó thực sự có thể giúp bạn trở thành một nhà đầu tư tốt hơn.

Dựa trên hàng thập kỷ nghiên cứu hành vi, nhà tâm lý học Crosby cho biết các nhà đầu tư dễ dàng trở thành “con mồi” của 4 thành kiến ​​cố hữu. Tuy nhiên, khi bạn lưu tâm đến chúng, bạn có thể thực hiện các bước nhất định giảm ảnh hưởng của những thành kiến này, thậm chí khai thác chúng để mang lại lợi ích tài chính cho mình.

Có nhiều thành kiến, quan điểm sai lầm trong đầu tư khiến nhà đầu tư bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền. (Ảnh: Debt.com)

Thành kiến vì cái tôi cá nhân cao

Mọi người đều có một cái tôi. Nó bảo vệ chúng ta theo nhiều cách, một phần bằng cách tạo ra cảm giác tự tin – và nhiều khi là tự tin thái quá vào khả năng và phán đoán của chính mình. Ông Crosby nói: “Cái tôi khiến chúng ta rời khỏi giường vào buổi sáng”.

“Những người trở nên rất chắc chắn về bản thân có nhiều khả năng trở nên kiên cường và đạt được thành công trong sự nghiệp. Người quá tự tin thường hạnh phúc hơn và có nhiều khả năng trở thành những doanh nhân và chính trị gia thành công. Và một cái tôi [mạnh mẽ] có thể giúp chúng ta chống lại những thất bại, thất vọng và mất mát”, ông nói.

Tuy vậy, khi nói đến đầu tư, quá tự tin có thể khiến bạn mất tiền. Ví dụ, Crosby cho biết, hầu hết chúng ta muốn tìm thông tin xác nhận những gì chúng ta đã tin hơn là tìm kiếm thông tin đi ngược lại với niềm tin của mình. Ông trích dẫn nghiên cứu cho thấy rằng ngay cả khi được trình bày với những sự thật mâu thuẫn trực tiếp với những gì chúng ta tin tưởng, nhờ cái tôi của mình, chúng ta có thể càng trở nên cố thủ hơn trong những niềm tin sai lầm đó.

Trong đầu tư, bạn có thể cảm thấy chắc chắn rằng một công ty nhất định hoặc loại tài sản mới – như tiền điện tử – sẽ chiến thắng trong tương lai. Vì vậy, bạn ném một số tiền lớn không tương xứng vào ý tưởng của mình. Trái ngược với niềm tin đó, việc “liều” đầu tư dựa theo niềm tin có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của bạn về lâu dài. Crosby đã trích dẫn số liệu thống kê cho thấy cách quản lý quỹ chứng khoán tích cực hoạt động kém hơn so với lập chỉ mục thụ động hơn 80% thời gian trong khoảng thời gian 5 và 10 năm.

Thành kiến về sự bảo thủ

Đầu tư luôn đi kèm với rủi ro nhưng việc nhà đầu tư gắn bó mãi với những khoản đầu tư quen thuộc, truyền thống vì quan điểm bảo thủ “chỉ đầu tư vào những gì bạn biết” cũng thực sự có thể làm tăng rủi ro đó.

Ông Crosby lấy ví dụ về một người làm việc trong ngành công nghệ, mua nhà ở trung tâm công nghệ cao và đầu tư chủ yếu vào cổ phiếu công nghệ. Kết quả cuối cùng là triển vọng tài chính của người đó sẽ phụ thuộc nhiều vào sức khỏe của lĩnh vực công nghệ. Khi lĩnh vực công nghệ bị ảnh hưởng, người này có thể ngay lập tức gặp khó khăn về tài chính.

Thành kiến về sự chú ý đối với các thông tin trong đầu tư

Con người có xu hướng chú ý nhiều hơn đến tin xấu hoặc các sự kiện kịch tính cao, ít có khả năng xảy ra (ví dụ như cá mập tấn công hoặc máy bay đâm vào các tòa nhà). Cả 2 đều có thể bóp méo nhận thức của chúng ta về rủi ro. Hơn nữa, tình trạng quá tải thông tin – dù là từ dữ liệu, nghiên cứu hay tin tức – có thể dẫn đến những quyết định sai lầm vì quá nhiều thông tin khiến bạn khó nhìn thấy cơ hội đầu tư đáng giá.

Thành kiến về mặt cảm xúc

Cảm xúc và trực giác có thể bảo vệ chúng ta trong một số tình huống khó khăn. Chẳng hạn như, cuối cùng bạn có thể chọn được người phù hợp để kết hôn sau nhiều năm hẹn hò với những người không bao giờ hoàn toàn chung đường.

Thế nhưng, chúng cũng có thể khiến chúng ta hành động hấp tấp và bỏ qua những khoản đầu tư thông minh. Ví dụ trên thị trường chứng khoán, khi nỗi sợ của bạn bị kích hoạt thì bạn thậm chí có thể bị hoảng sợ nhiều hơn và có quyết định bán ra không đúng thời điểm. Trong khi đó, nếu bạn phấn khởi, sự lạc quan của bạn có thể bóp méo cảm nhận của bạn về mức độ rủi ro mà bạn thực sự phải gánh chịu với một khoản đầu tư.

Làm sao để đánh bại những thành kiến ​​​​trong đầu tư?

Crosby cho biết các nhà đầu tư có thể tìm cách vượt qua những thành kiến ​​vốn có của họ theo nhiều cách. Trong số các chiến lược được đề xuất của ông bao gồm:

– Bình tĩnh trong suốt quá trình đầu tư: Đừng kiểm tra tài khoản đầu tư của bạn hàng ngày, cũng đừng cố định trên mọi chuyển động thị trường, đừng đắm mình trong các số liệu và đừng để các sự kiện tiêu cực ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của bạn một cách không cân xứng.

– Hãy khiêm tốn: Bạn không thể dự đoán tương lai và tất cả mọi người cũng sẽ không bao giờ có thông tin hoàn hảo để đặt cược chắc chắn vào một cổ phiếu hoặc lĩnh vực đầu tư.

– Đa dạng hóa cổ phần của bạn: Crosby đã diễn đạt nó theo cách này trong cuốn sách của mình: “Đa dạng hóa là… hiện thân của việc quản lý rủi ro về cái tôi. [Đó] là một cái gật đầu cụ thể cho sự may mắn và không chắc chắn vốn có trong quản lý tiền bạc và thừa nhận rằng tương lai là không thể biết trước”.