Một viễn cảnh khá quen thuộc với hầu hết chúng ta: Sếp quá khủng khiếp và khiến bạn chỉ muốn bỏ việc nhưng bạn vẫn cần khoản tiền lương hàng tháng. Bạn sẽ làm gì?
Theo một cuộc khảo sát năm 2020 của trang ResumeLab, ba phần tư người lao động Mỹ vẫn quyết định làm việc với các người sếp tồi vì họ cần tiền lương, điều này cũng là nguyên nhân cho trào lưu ‘quiet quitting‘ nổi tiếng trong năm 2022 – khi người lao động chỉ muốn làm hết trách nhiệm được giao thay vì nỗ lực làm việc. Trong cùng một cuộc khảo sát, khoảng 62% người được hỏi cho biết họ ở lại bất chấp quản lý xấu tính vì họ thích công việc và đồng nghiệp, 59% nói họ không muốn mất quyền lợi và 53% nói rằng họ không thể tìm được một công việc tốt hơn ở nơi khác.
Đối với những người trong hoàn cảnh như vậy, Tom Gimbel, một chuyên gia về văn hóa doanh nghiệp và Giám đốc điều hành của cơ quan việc làm LaSalle Network tại Chicago, có một vài lời khuyên dành cho bạn. Ông cho rằng có 7 kiểu sếp điển hình – và 5 kiểu trong số họ có thể khiến cuộc sống công sở của bạn trở thành ác mộng. Tin tốt là bạn vẫn có thể tìm cách cải thiện mối quan hệ với họ và khiến tình hình bớt căng thẳng hơn.
sếp hãm
Dưới đây là năm loại sếp tồi, từ phổ biến nhất đến hiếm gặp nhất cũng như cách đối phó với họ, theo Gimbel.

Sếp ‘máy xay’

Một ông sếp máy xay luôn làm việc cực kỳ chăm chỉ và mong đợi các nhân viên cũng sẽ làm việc theo tấm gương của họ, ngay cả khi đó là yêu cầu phi thực tế.
Chìa khóa để làm việc với họ là thảo luận cởi mở về những gì họ muốn bạn đạt được – hàng ngày, hàng tuần hay hàng tháng – và tạo ra một danh sách các nhiệm vụ cụ thể bạn có thể thực hiện và không thể, Gimbel nói.
‘Ngay cả khi bạn không thể hoàn thành mọi nhiệm vụ trong khoảng thời gian họ mong đợi thì việc cho họ thấy rằng bạn đang làm việc thông qua danh sách đó “cũng đủ để làm họ yên tâm,” Gimbel giải thích.
Họ không bao giờ nghĩ rằng mọi nhân viên đều đang cố gắng, vì vậy chứng minh rằng bạn đang tiến bộ là một hành động hữu ích, anh ấy nói thêm.

Sếp ‘ma xó’

Gimbel nói: Một ông sếp ma xó thường có cách tiếp cận cực kỳ “bó tay”. Họ không theo dõi được công việc của tập thể và không có mặt khi đội nhóm của họ cần trợ giúp.
Lời khuyên của ông là hãy thường xuyên cập nhật cho sếp về công việc bạn đang làm và đặt câu hỏi bất cứ khi nào bạn cần giúp đỡ. Nếu họ không phản hồi, hãy chuyển sang một người quản lý khác hoặc một nhân viên cấp cao hơn trong nhóm. Sau đó, ghi lại biên bản trên giấy hoặc e-mail cho thấy rằng bạn đang yêu cầu họ giúp đỡ và cập nhật tình trạng.
Nếu công việc của bạn bị chỉ trích thậm tệ, bạn có thể lấy đó làm bằng chứng rằng bạn đã làm tất cả những gì có thể.

Sếp ưa nịnh

Nhóm sếp theo phong cách ‘tự luyến’ này thường đưa ra quyết định theo mong muốn và nhu cầu cá nhân, đồng thời không cân nhắc đến những người xung quanh trong công việc. Họ cũng thích những lời tâng bốc và đó chính là chìa khóa để làm việc với họ.
Hãy thử khen một trong những ý tưởng của họ để giúp bạn có được thiện cảm ban đầu. Nếu bạn không cho rằng ý tưởng của họ là một ý tưởng hay, thì hãy nhìn vào mặt tích cực kèm theo yêu cầu rõ ràng.
Cuộc trò chuyện có thể bắt đầu bằng: “Nghe có vẻ là một ý kiến ​​hay. Anh/ chị có thể giải thích rõ hơn kế hoạch này sẽ hoạt động như thế nào nếu vấn đề này xuất hiện không? ” hoặc “Tôi thích ý tưởng này. Làm thế nào chúng ta có thể có đủ nguồn lực để thực hiện đây? ”

Sếp quá thân thiện

Sếp quá thân thiện đồng nghĩa với việc họ muốn trở thành bạn của tất cả mọi người xung quanh, ngay cả khi điều đó có nghĩa là lãnh đạo một nhóm kém cỏi. Họ sẽ giao lưu nhiều hơn là làm việc thực tế, khiến bạn mất tập trung trong cả quá trình, Gimbel nói.
Giải pháp ở đây có thể không thoải mái nhưng cần thiết. Bạn phải “vạch ra ranh giới” với họ và đặt ranh giới với người nào đó cao hơn bạn trên hệ thống phân cấp của công ty.
Nếu bạn thấy mình bị mắc kẹt trong một cuộc trò chuyện dài hơn mong đợi, hãy tìm cách thể hiện tế nhị rằng bạn cần hoàn thành một số công việc, ví dụ như: “Cuộc trò chuyện thật tuyệt. Nhưng tôi phải hoàn thành một số công việc trước khi hết giờ nên hẹn lần tới nói chuyện nhé.”

Sếp nóng tính

Một ông sếp núi lửa thường có nhiều đặc điểm giống như sếp ma xó ở trên, không đưa ra định hướng nào cho đội nhóm vì đơn giản là họ không ở đó để đánh giá công việc đang được thực hiện. Nhưng sau đó, họ sẽ nổi nóng và đổ trách nhiệm cho cấp dưới khi một nhiệm vụ không đạt tiêu chuẩn – ngay cả khi việc thiếu khả năng lãnh đạo của họ cũng chính là nguyên nhân.
Gimbel khuyên bạn nên sử dụng một chiến lược tương tự như khi làm việc với các sếp ‘ma xó’: Cập nhật tình hình công việc của bạn với họ thường xuyên, đưa ra các câu hỏi và quan trọng nhất, phải ghi lại mọi thứ cho thấy bạn đã nỗ lực nhờ giúp đỡ.
sếp hãm

Cách nhận diện và xử lý nếu bạn chính là sếp

Gimbel nói: Nếu bạn là một ông sếp, hãy “soi mình trong gương” và xác định xem bạn có thuộc 5 kiểu sếp này hay không. Nếu lo lắng, hãy tham khảo ý kiến ​​của đồng nghiệp – thậm chí có thể dưới dạng khảo sát ẩn danh.
Hãy thử đặt những câu hỏi liên quan đến từng kiểu sếp tồi. Ví dụ: bạn có thể xác định xem mình có phải là một ông sếp ma xó hay không – hoặc ít nhất là gần giống – bằng cách hỏi, “Tôi đang ảnh hưởng đến công việc của các bạn thế nào? Bạn có cảm thấy rằng tôi tham gia quá nhiều hay không đủ hay không? ” và “Mức độ tham gia của tôi ảnh hưởng đến công việc chung như thế nào?”
Nếu bạn thuộc một trong những loại này, hãy tìm hiểu cách thức để cải thiện như hỏi đồng nghiệp của bạn những câu hỏi như: “Bạn nghĩ tập thể của tôi đang cần những gì mà tôi chưa đáp ứng?”
“Vấn đề thực sự với những người sếp xấu tính là họ không nhận ra điều đó hoặc không quan tâm, vì vậy họ không tìm cách khắc phục nó,” Gimbel nói. “Nếu bạn đang cố gắng khắc phục, bạn chắc chắn sẽ đi đúng hướng.”