Bạn cảm thấy thế nào khi nói về nợ nần? Đó hẳn là cảm giác khó chịu kèm hoang mang của phần lớn chúng ta.
Và nếu bạn có phản ứng tiêu cực mạnh mẽ với câu hỏi đó, bạn không đơn độc. Một cuộc khảo sát gần đây của Bankrate.com cho thấy 41% Gen Z cảm thấy không thoải mái khi nói về nợ thẻ tín dụng (con số này lần lượt là 38% Millennials, 49% Gen X, 53% Boomers và 59% thuộc Thế hệ Tĩnh lặng).
Nhìn chung, nói về tiền bạc là một việc khó nhưng vấn đề vẫn cần phải giải quyết và trước khi khoản nợ của bạn lãi mẹ đẻ lãi con thành một con số không tưởng, bạn phải hành động. Khoản nợ thẻ tín dụng trung bình năm 2021 tại Mỹ là hơn 5.000 USD. Đối với Gen Z, con số đó giảm xuống còn khoảng 2.000 USD.
Vì vậy, hãy bắt đầu phá vỡ rào cản tâm lý bởi bạn càng giữ kín vấn đề tiền bạc, chúng sẽ càng tạo ra nhiều lo lắng (và thêm các vấn đề mới). Bước đầu tiên để vượt qua sự khó chịu ban đầu là hiểu chính xác bản chất của nợ nần cũng như những thói quen nào đang dẫn bạn đến cái bẫy nguy hiểm này.
Chi tiêu không kiểm soát
Phần thách thức nhất trong việc xử lý nợ nần là xác định số tiền bạn có thể chi tiêu mỗi tháng mà không hao hụt tổng tài sản. Mua hàng bằng thẻ tín dụng thường tạo ra ảo tưởng rằng bạn đang nhận được mọi thứ miễn phí. Cảm giác này có thể khó nhận ra khi bạn mới bắt đầu nhưng học cách phân biệt giữa nhu cầu ngắn hạn và dài hạn (cũng như mong muốn) của bạn là rất quan trọng để xây dựng thói quen tài chính lành mạnh.
Thay vào đó, hãy quan sát kĩ và xác định hành động nào đã tạo ra khoản nợ đó hàng tháng. Bạn đã tiêu nhiều tiền nhất vào việc gì? Đó có phải là một khoản chi cần thiết không? Bạn có thể cắt khoản chi tiêu đó một hoặc hai tháng không?
Một khi bạn trả lời những câu hỏi này, nó sẽ cho bạn cảm giác thực tế về những gì có thể tránh được. Nhưng chỉ thực hiện bài tập này sẽ không hữu ích nếu bạn không xây dựng thói quen lập ngân sách lành mạnh. Để tạo ngân sách thành công, chúng ta cần hiểu số tiền bản thân thực sự có và số tiền chi tiêu mỗi tháng. Danh sách các câu hỏi bao gồm: Bạn tiêu nhiều tiền nhất vào việc gì? Những thứ bạn thực sự cần phải chi hàng tháng (tiền thuê nhà, nhu yếu phẩm, điện, internet, v.v.) là gì? Bạn nên lưu ý đến một số chi phí nào (giải trí, ăn uống, v.v.)?
Sau khi tạo danh sách các khoản chi, hãy bắt đầu xếp hạng theo mức độ ưu tiên xem liệu có những thứ bạn có thể chi tiêu ít hơn hay không và đánh giá số tiền còn lại mỗi tháng để thanh toán cho những khoản nợ nần.
Chỉ trả nợ tối thiểu không bao giờ là đủ
Rất nhiều người trong chúng ta không có bức tranh đầy đủ về ý nghĩa thực sự của các khoản thanh toán tối thiểu. Theo cách nói chuyên ngành, khoản thanh toán tối thiểu đề cập đến số tiền tối thiểu mà bạn phải trả hàng tháng cho khoản nợ. Tuy nhiên, còn nhiều thứ hơn nữa mà các nhân viên tư vấn tín dụng không bao giờ nói với bạn.
Lãi suất thẻ tín dụng thường được áp dụng theo năm hoặc APR, thể hiện tổng chi phí của một khoản vay, bao gồm cả lãi suất hoặc bất kỳ khoản phí xử lý nào khác. Mặc dù tỷ lệ này là hàng năm, các ngân hàng vẫn tính lãi hàng tháng cũng như theo dõi số dư hàng ngày của khách hàng (hoặc số nợ trên thẻ của họ).
Giả sử bạn có khoản nợ thẻ tín dụng chưa thanh toán là 1000 USD vào cuối tháng, số dư trung bình hàng ngày của bạn là 1.500 USD và công ty phát hành thẻ tín dụng đặt APR là 16%.
Bây giờ, công ty sẽ tính toán lãi suất định kỳ hàng ngày của bạn hoặc lãi suất bạn phải trả vào cuối mỗi ngày bằng cách chia APR cho 365 (số ngày trong năm). Trong trường hợp này, sẽ là 0,16 / 365 = 0,00044. Sau đó, số tiền này được nhân với số dư trung bình hàng ngày của bạn: 0,00044x $ 1,500 = 0,66. Cuối cùng, con số này được nhân với số ngày trong chu kỳ thanh toán (30 ngày trong một tháng): 0,66x 30 = 19,80 USD.
Điều đó có nghĩa là, 19,80 USD là số tiền bổ sung hàng tháng bạn phải trả cho khoản vay 1000 USD. Vì vậy, nếu bạn thực hiện thanh toán hàng tháng tối thiểu là 25 đô la, tổng số tiền có thể hoàn trả của bạn sẽ như sau: 1.000 USD – 25 USD + 19,80 USD = 994,80 USD. Như bạn thấy, mức lãi suất này có thể làm chậm khả năng trả nợ của bạn. (Và điều này không bao gồm bất kỳ khoản phí trả chậm bổ sung nào nếu bạn không thanh toán trước ngày đến hạn.)
Với mức lãi suất trung bình 16%, dư nợ thẻ có thể tăng nhanh chóng, khiến khoản thanh toán tối thiểu tiếp theo trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Thay vào đó, trước khi lấy thẻ tín dụng, hãy đọc kỹ mẫu đơn đăng ký mở thẻ. Văn bản này sẽ bao gồm các thông tin như mất bao lâu để thanh toán, khoản thanh toán tối thiểu… Nói chung, có thể mất một thời gian để hiểu cách bạn muốn chi tiêu và trả nợ trên thẻ tín dụng. Nếu ngân hàng phát hành thẻ tín dụng của bạn có lãi suất cao, tốt hơn hết là bạn nên trả toàn bộ khoản nợ càng sớm càng tốt thay vì thanh toán tối thiểu.
Lựa chọn lợi ích ngắn hạn thay vì tài chính bền vững
Thông thường, chúng ta chỉ xem xét những lợi ích do thẻ tín dụng mang lại, chẳng hạn như số dặm bay thường xuyên hay các đặc quyền nghỉ dưỡng hấp dẫn. Tất nhiên, miếng pho mát này cũng nằm trong cái bẫy rất lớn: lãi suất cao. Dù những lợi ích này thoạt nghe có vẻ hấp dẫn nhưng điều quan trọng là bạn phải phân tích xem chúng có thực sự xứng đáng hay không.
Hơn nữa, những đặc quyền này thường được các ngân hàng đưa ra nhằm thúc đẩy một số người dùng mở nhiều thẻ để được giảm giá. Một số người thậm chí muốn mở nhiều thẻ để phân chia khoản thanh toán tối thiểu hàng tháng. Nhưng phí thường niên cuối cùng phải trả sẽ là con số khổng lồ.
Thay vì mở thẻ tràn lan, hãy tìm kiếm các điều khoản và điều kiện thẻ tín dụng phù hợp với thói quen chi tiêu của bạn. Nếu bạn là người hầu như luôn trả hết thẻ tín dụng đầy đủ mỗi tháng thì mức lãi thường niên cao có thể không phải là vấn đề lớn. Trong trường hợp này, tiền hoàn lại và điểm thưởng thực sự có thể mang lại lợi ích nhưng nếu bạn đang gặp khó khăn với các khoản thanh toán tối thiểu mỗi tháng, hãy ưu tiên thẻ lãi suất thấp hơn các đặc quyền xa xỉ.
Hãy cẩn thận khi mở nhiều thẻ tín dụng, ngay cả khi việc đó sẽ mang lại cho bạn một đặc quyền hoặc thỏa thuận lãi suất thấp hơn. Lợi ích đó có thể bị giới hạn và nếu số dư vẫn còn khi tỷ lệ khuyến mại hết hạn, bạn sẽ quay lại điểm bắt đầu. Hãy nhớ rằng việc khoản nợ được trải đều trên nhiều thẻ không có nghĩa là số tiền đó ít hơn. Chúng chỉ đem lại cảm giác xoa dịu nhưng con nợ vẫn phải trả lại tất cả theo thời gian.
Sử dụng thẻ tín dụng thay cho thẻ ATM
Nhiều thẻ tín dụng cho phép người dùng rút tiền mặt từ máy ATM hoặc viết séc trong hạn mức tín dụng cho phép nhưng những giao dịch này luôn đi kèm với một khoản phí ứng trước, có thể lên tới 3,5%. Về cơ bản, nếu bạn rút 500 USD từ máy ATM bằng thẻ tín dụng, bạn sẽ phải trả thêm 17,50 USD trên bảng sao kê thẻ trong tháng này. Hơn nữa, nếu cuối cùng bạn không hoàn trả 517,50 USD trước ngày đến hạn, thì các khoản phí lãi suất có thể được áp dụng.
Một lựa chọn khả thi hơn là chuyển số dư hoặc khả năng chuyển khoản nợ của thẻ tín dụng này sang thẻ tín dụng khác. Bản chất là bạn có thể chuyển khoản nợ của mình từ thẻ có lãi suất cao sang thẻ có lãi suất tổng thể thấp hơn, giảm số tiền nợ. Lựa chọn này có thể hữu ích khi ngân hàng phát hành thẻ có chính sách chuyển khoản số dư không lãi suất, phí thấp và bạn tự tin rằng mình có thể trả hết khoản nợ đang chuyển trước khi lãi suất khuyến mại (hoặc lãi suất thấp hơn) trên thẻ mới hết hạn.
Thẻ tín dụng có thể là một công cụ tuyệt vời để những người trẻ tuổi đạt được mục tiêu nhanh chóng. Để thực sự tận dụng tối đa tấm thẻ, hãy tự tìm hiểu về cách hoạt động của mỗi loại thẻ thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nhân viên tư vấn, nắm rõ các chính sách và cố gắng thanh toán đúng hạn. Việc xây dựng những thói quen này luôn đòi hỏi tính kiên nhẫn và nỗ lực không ngừng. Có rất nhiều câu chuyện kinh dị về nợ nần nhưng cũng có rất nhiều người nhờ nợ nần mà tạo nên động lực thành công. Với kỷ luật, hiểu biết và khả năng kiểm soát, bạn cũng có thể làm được. Đó là lý do tại sao bạn nên bắt đầu từ bỏ những thói quen xấu tạo nợ nần tín dụng ngay từ bây giờ.