Vì sao chúng ta có hành vi tiêu tiền? Vì sao chúng ta chọn mua thứ này chứ không phải thứ kia? Vì sao bạn quyết định bán thay vì mua? Những người ủng hộ thị trường hiệu quả tin rằng giá thành cổ phiếu hoặc khoản đầu tư khác được định hình bởi tất cả thông tin đã biết nhưng theo các nhà lý thuyết thị trường hiệu quả, sự gia tăng của giao dịch thuật toán đã khiến việc xử lý thông tin về giá thị trường xảy ra gần như ngay lập tức.

Tuy nhiên, những người khác vẫn không bị thuyết phục. Họ lập luận rằng lý do khiến các nhà đầu tư dài hạn như Warren Buffett hoặc các nhà giao dịch tần suất cao có thể kiếm được lợi nhuận một cách bền vững là bởi sự thiếu hiệu quả của thị trường. Đồng thời, tính chất kém hiệu quả này là không thể tránh khỏi bởi thị trường bao gồm con người hoặc máy tính được lập trình bởi con người – những sinh vật có cảm xúc và làm việc theo cảm tính thay vì logic.

Dù bạn tin theo lý thuyết nào trên đây, có một sự thật không thể chối cãi là mọi người thường đưa ra các quyết định tài chính mang màu sắc thiên kiến hành vi, khiến họ hành động theo cảm tính hoặc mắc sai lầm khi xử lý thông tin. Đây là cơ sở cho tài chính hành vi, một lĩnh vực nghiên cứu kết hợp lý thuyết tâm lý với kinh tế tài chính thông thường. Tài chính hành vi dự đoán hành vi giao dịch thực tế dựa trên các yếu tố này và được sử dụng làm cơ sở để xây dựng các chiến lược giao dịch hiệu quả hơn, khắc phục những hạn chế của con người.

“Nếu bạn đang cung cấp cho mọi người thông tin, hãy lưu ý điều gì sẽ xảy ra với hành vi của con người khi bạn không cung cấp đầy đủ ngữ cảnh. Thiếu sót thông tin khiến mọi người đưa ra hành vi tiêu tiền nhanh hơn khả năng của họ”, George M. Blount, nhà trị liệu tài chính và người sáng lập Balance Financial cho biết. “Thiếu thông tin hoặc thông tin bị trình bày sai lệch cũng làm tăng khả năng phản ứng kém, không mang lại lợi ích tốt nhất. Đó thực sự là một vấn đề không chỉ trong thời điểm hiện tại mà còn cả tương lai. Vì vậy, chúng ta phải nhận thức được điều đó.”

Ở đây, hãy cùng tìm hiểu 4 động cơ tâm lý thúc đẩy hành vi tiêu tiền sai trái của con người, trong cả chi tiêu cá nhân và đầu tư. Những điểm tương đồng có thể khiến bạn giật mình nhận thấy những kết quả tài chính đáng tiếc của bản thân hay thậm chí những thành công rực rỡ của mình đôi khi không bắt nguồn từ hiểu biết lý trí.

hành vi tiêu tiền

1. Quá tự tin thúc đẩy hành vi tiêu tiền lãng phí

Quá tự tin thường bao gồm 2 yếu tố: quá tự tin vào chất lượng thông tin đã nhận được và khả năng hành động dựa trên thông tin đó vào đúng thời điểm nhằm đạt được lợi ích tối đa. Các nghiên cứu cho thấy những nhà giao dịch quá tự tin có tần suất giao dịch thường xuyên hơn và không đa dạng hóa danh mục đầu tư một cách thích hợp. Điều tương tự cũng xảy ra với những người nghiện mua sắm, thường có hành vi tiêu tiền cho các sản phẩm mà họ cho rằng có ích.
Một nghiên cứu đã phân tích các giao dịch của 10.000 khách hàng tại một công ty môi giới chiết khấu lớn nhằm tìm cách xác định xem giao dịch thường xuyên có dẫn đến lợi nhuận cao hơn hay không.
Sau khi loại bỏ các giao dịch giảm thuế và các giao dịch khác để đáp ứng nhu cầu thanh khoản, nghiên cứu cho thấy cổ phiếu được mua hoạt động kém hơn cổ phiếu đã bán 5% trong một năm và 8,6% trong hai năm. Nói cách khác, nhà đầu tư bán lẻ càng chăm giao dịch thì họ càng kiếm được ít tiền.

Nghiên cứu này đã được nhân rộng nhiều lần ở nhiều thị trường và kết quả luôn giống nhau. Các tác giả kết luận rằng các nhà giao dịch “về cơ bản phải trả phí để mất tiền.”
Thay vào đó, giao dịch ít hơn và đầu tư nhiều hơn. Hiểu rằng bằng cách tham gia vào các hoạt động giao dịch, bạn đang giao dịch với máy tính, nhà đầu tư tổ chức và những người khác trên khắp thế giới có dữ liệu tốt hơn và nhiều kinh nghiệm hơn bạn. Tỷ lệ cược đang áp đảo có lợi cho họ. Bằng cách tăng khung thời gian phản hồi thông tin cho mình, phản ánh các chỉ số và tận dụng cổ tức, bạn có thể sẽ trở nên giàu có theo thời gian. Hãy chống lại sự thôi thúc tin rằng thông tin và trực giác của bạn tốt hơn những người khác trên thị trường.

2. Hối tiếc thúc đẩy hành vi tiêu tiền keo kiệt

Thừa nhận đi, bạn đã từng làm điều này ít nhất một lần. Bạn xem một mẩu quảng cáo thú vị trên Facebook hoặc tạp chí về một sản phẩm đa năng nào đó và tin rằng sau khi sở hữu được nó, cuộc sống hay vấn đề của bạn sẽ được giải quyết tức thì. Bạn nhanh chóng thực hiện hành vi tiêu tiền và kết quả dần hiện rõ. Vẫn cảm thấy bản thân đã đúng, bạn cố gắng giữ lại chiếc váy quá chật/ món đồ điện tử không phù hợp. Bạn sẽ không bán lại nó bởi bạn tin rằng một ngày nào đó, bạn sẽ gầy hơn hoặc căn nhà đang ở sẽ rộng hơn và đủ chỗ cho chiếc TV khổng lồ đó. Mọi thứ tiếp tục gây khó chịu nhưng bạn sẽ không thay đổi cho đến khi món đồ đã hỏng hoặc bạn đã hoàn toàn quên nó đi.

Các nhà kinh tế học hành vi gọi đó là “sự hối tiếc”. Là con người, chúng ta cố gắng tránh cảm giác hối tiếc càng nhiều càng tốt, và thường thì chúng ta sẽ cố gắng hết sức, đôi khi là vô lý, để tránh phải trải qua cảm giác hối tiếc. Bằng cách không bán vị thế và chốt lỗ, các nhà giao dịch cũng không phải đối mặt với sự hối tiếc. Nghiên cứu cho thấy các nhà giao dịch có khả năng bán vị thế thắng quá sớm và vị thế thua quá muộn cao gấp 1,5 đến 2 lần, tất cả là để tránh hối tiếc về việc mất lợi nhuận hoặc mất cơ sở chi phí ban đầu.
Đặt các quy tắc giao dịch không bao giờ thay đổi. Ví dụ: nếu giao dịch chứng khoán mất một tỷ lệ phần trăm giá trị nhất định, hãy bán cắt lỗ.

Nếu cổ phiếu tăng trên một mức nhất định, hãy đặt một điểm dừng theo dõi và chốt lãi nếu giao dịch mất một lượng lợi nhuận nhất định. Lập ra các ngưỡng giao dịch không thể phá vỡ sẽ giúp bạn tránh được hành vi tiêu tiền cảm tính.

3. Mức tập trung có hạn khiến bạn đầu tư thua lỗ

 

Có hàng ngàn cổ phiếu để lựa chọn nhưng nhà đầu tư cá nhân thường không có thời gian cũng như mong muốn nghiên cứu từng loại. Con người bị hạn chế bởi cái mà nhà kinh tế học và tâm lý học Herbert Simon gọi là “tính tập trung có giới hạn”. Lý thuyết này nói rằng con người sẽ đưa ra quyết định dựa trên kiến thức hạn chế mà họ có thể tích lũy được. Thay vì đưa ra hành vi tiêu tiền hiệu quả nhất, họ sẽ đưa ra quyết định thỏa đáng nhất.

Vì những hạn chế này, các nhà đầu tư có xu hướng chỉ xem xét các cổ phiếu mà họ chú ý thông qua các trang web, phương tiện tài chính, bạn bè và gia đình hoặc các nguồn khác ngoài nghiên cứu của chính họ. Ví dụ: nếu một cổ phiếu công nghệ sinh học nhất định vừa được phát hành sau khi Bộ Y Tế chấp thuận cho một loại thuốc bom tấn, thì động thái tăng giá có thể được phóng đại vì tin tức nóng sẽ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Tin tức nhỏ hơn về cùng một cổ phiếu có thể gây ra rất ít phản ứng của thị trường vì không đến được với giới truyền thông.

Nếu bạn nhận ra rằng các phương tiện truyền thông đang gây ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch của mình, hãy học cách nghiên cứu và đánh giá các cổ phiếu hot và một vài lần “lạc lối” vào các group kín hay forum nào đó có thể tiết lộ các giao dịch sinh lợi mà bạn sẽ không bao giờ tìm thấy nếu bạn thụ động chờ sung rụng. Đừng để những thông tin nhiễu loạn trên truyền thông ảnh hưởng đến bạn. Thay vào đó, hãy sử dụng đó làm phương tiện như một kho dữ liệu trong số nhiều nguồn đa dạng để tham khảo.

4. Chạy theo xu hướng thị trường

Đây được cho là xu hướng thúc đẩy hành vi tiêu tiền mạnh mẽ nhất. Các nhà nghiên cứu về tài chính hành vi đã phát hiện ra rằng 39% tổng số tiền mới được cam kết cho các quỹ tương hỗ đã được chuyển vào 10% quỹ có hiệu suất tốt nhất trong năm trước.
Dù các sản phẩm tài chính thường bao gồm tuyên bố từ chối trách nhiệm rằng “hiệu suất trong quá khứ không phải là dấu hiệu cho thấy kết quả trong tương lai”, các nhà giao dịch bán lẻ vẫn tin rằng họ có thể dự đoán tương lai bằng cách nghiên cứu quá khứ.

Con người có một tài năng phi thường trong việc phát hiện các mẫu hình và khi tìm thấy chúng, họ tin vào tính hợp lệ của chúng. Sau đó, chúng ta có xu hướng hành động theo hình mẫu đã thấy nhưng đáng tiếc, mô hình đó đã được sắp đặt sẵn để phục vụ lợi ích của người khác. Ngay cả khi tìm thấy một mô hình, thị trường mang tính ngẫu nhiên hơn nhiều so với hầu hết các nhà giao dịch dám thừa nhận. Nghiên cứu của Đại học California phát hiện ra rằng các nhà đầu tư cân nhắc quyết định dựa trên kết quả hoạt động trong quá khứ thường là những người hoạt động kém nhất khi so sánh với những nhà đầu tư khác. Những người hay có hành vi tiêu tiền cảm tính cũng ít hạnh phúc và hài lòng hơn so với những người cân nhắc kĩ lưỡng.

Kết luận

Bạn có thấy bản thân mình đang hành động theo những động cơ ở trên không? Nếu bạn đang có các hành vi tiêu tiền như vậy, hãy hiểu rằng cách tốt nhất để tránh được 4 bẫy tâm lý ở trên là có các quy tắc giao dịch và mua sắm hợp lý. Những điều đó có thể bao gồm chốt ngưỡng giao dịch để cắt lỗ hoặc chốt lãi, không tiếp xúc quá nhiều với các thông tin trên mạng xã hội và tận dụng những kho thông tin một cách phù hợp. Bạn không thể tránh được mọi xu hướng hành vi bởi chúng đều là bản năng con người nhưng bạn có thể giảm thiểu các hành vi tiêu tiền gây ảnh hưởng xấu đến tài chính trong dài hạn.