Các cuộc khảo sát về mức độ hạnh phúc ở nhiều quốc gia tiếp tục cho thấy mức độ thoả mãn và vui vẻ của mọi người đang suy giảm theo thời gian – ngay cả khi đời sống vật chất tăng lên – trong bối cảnh đại dịch Covid làm rung chuyển thế giới vào năm 2020. Dù mức độ hạnh phúc có sự phân bổ rộng rãi và đa dạng nhưng có một điều chắc chắn là dồi dào về tiền bạc chỉ góp một phần rất nhỏ cho chỉ số này.
Hàng trăm nghìn cuốn sách và tài liệu trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại đã cố gắng hướng dẫn con người làm thế nào để sống một cuộc sống có ý nghĩa và thăng hoa. Trong đó, một số yếu tố có thể mang lại sự viên mãn đích thực bao gồm tình yêu, niềm đam mê có ý nghĩa, vẻ đẹp, sự nghiệp có mục đích, các lối sống theo tôn giáo hoặc triết lý và phục vụ người khác.
Nhưng điều gì không làm cho chúng ta hạnh phúc? Đáng ngạc nhiên, ngay cả với hàng chục năm nghiên cứu và hàng ngàn năm trí tuệ cổ xưa, từ Kinh Qur’an đến Khổng Tử, nhiều người trong chúng ta vẫn tiếp tục khao khát những thứ tốn kém nhưng hoàn toàn không có triển vọng mang lại ý nghĩa hoặc niềm vui thực sự. Đó là gì?
hạnh phúc đích thực

1. Tiền đồng nghĩa với hạnh phúc?

Hầu hết mọi tôn giáo và truyền thống triết học lớn đều rao giảng sự ngu xuẩn và mức độ tàn phá của tiền bạc. Tuy nhiên, rất nhiều người trong chúng ta vẫn tiếp tục coi đây là mục tiêu theo đuổi số một của mình.
Tiền có thể giảm nhiều đau khổ nhưng chỉ tiền không đủ để dẫn đến hạnh phúc. Phần lớn thế giới trong nhiều thế kỷ qua phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng như đói, vô gia cư, thiếu thốn điều kiện chăm sóc sức khỏe và các nguồn lực thiết yếu khác. Đối với những người trong những tình huống này, tiền có thể cứu sống mạng người. Nếu bạn cần một bữa ăn, thuốc kháng sinh, hoặc một nơi trú ẩn cho bản thân và những người thân yêu thì tiền bạc rất quan trọng.
Nhưng một khi nhu cầu cơ bản của một người đã được đáp ứng, nhiều tiền hơn hiếm khi dẫn đến hạnh phúc lớn hơn. Các giáo sư Angus Deaton và Daniel Kahneman phát hiện ra rằng mức thu nhập có xu hướng ngừng cải thiện hạnh phúc vào khoảng 75.000 USD. Trong khi một nghiên cứu gần đây hơn cho thấy hạnh phúc có thể tiếp tục cải thiện với thu nhập cao hơn mức này, dường như có một thời điểm mà tại đó thu nhập không còn là yếu tố quyết định chính của hạnh phúc về mặt tình cảm (105.000 đô la trong nghiên cứu này).
hạnh phúc
Hơn nữa, quá nhiều tiền có thể dẫn đến sự cô đơn và lo lắng gia tăng. Tiền bạc thường làm phức tạp động lực gia đình và các mối quan hệ. Điều này, ít nhất một phần, trong khi tiền bạc có thể làm giảm bớt những lo lắng về vật chất cấp bách nhất, nó cũng có thể kích hoạt con người về mặt cảm xúc và làm phức tạp thêm quan điểm của chúng ta về thế giới. Ở mức độ thái quá, tiền có thể khiến chúng ta hoang tưởng về động cơ của người khác và dẫn đến cảm giác ghen tị, đố kỵ hoặc bất an – đặc biệt nếu chúng ta bắt đầu tự định giá bản thân bằng tiền. Ai đó sẽ luôn có nhiều tiền hơn và tiền có thể mất đi cũng như dễ dàng kiếm được. Cuối cùng, tiền có thể cám dỗ chúng ta tin rằng sự giàu có là thước đo thích hợp để đánh giá ai đó, trong khi tất nhiên, điều đó không phải như vậy.
Những gì tiền không thể làm là mang lại những trải nghiệm ý nghĩa nhất trong cuộc sống – tình bạn, dòng chảy, ý thức về mục đích và tình yêu – những điều đem lại hạnh phúc đích thực của đời người.

2. Lượt thích

Sự tán thành của người khác – sự nổi tiếng, sự ngưỡng mộ, tiếng vỗ tay – luôn luôn rất cám dỗ. Điều này đặc biệt đúng đối với thế hệ gen Z, những người có tư duy tìm kiếm sự chấp thuận của người khác theo những cách khiến họ dễ bị tổn thương trên mạng xã hội. Con người chúng ta có mong muốn bẩm sinh là được quý mến hoặc được thuộc về cộng đồng nào đó và chúng ta thường rơi vào tình trạng tin rằng được thích ở một sân khấu lớn hơn sẽ khiến chúng ta hạnh phúc hơn. Nhưng đó không phải sự thật.
Có rất nhiều câu chuyện về những người nổi tiếng – những ngôi sao ca nhạc, chính trị gia, doanh nhân – những người đạt được thành công vượt bậc chỉ để bắt đầu lạm dụng ma túy, trầm cảm và đau khổ. Những câu chuyện này có thể là một lời nhắc nhở rằng việc theo đuổi sự đồng tình của người khác thường dẫn đến cảm giác huỷ hoại danh tính cá nhân hơn là hạnh phúc thực sự.
Trong thời đại của mạng xã hội, vấn đề này càng trở nên gay gắt hơn. Hàng triệu người tìm kiếm dopamine thông qua lượt “thích” và lượt xem trên Twitter, Instagram, TikTok, Facebook hoặc các nền tảng khác. Các bạn trẻ tin rằng càng có nhiều bạn bè và sự chú ý trên mạng xã hội đồng nghĩa với việc có giá trị lớn hơn nhưng thường thì hiện thực lại đi ngược lại.
Các bằng chứng mới gần đây cho thấy việc sử dụng mạng xã hội và mức độ hạnh phúc có quan hệ tỉ lệ nghịch với nhau. Sự phổ biến của mạng xã hội nói chung có liên quan trực tiếp đến mức độ trầm cảm và lo lắng ngày càng cao. Tóm lại, mặt tích cực của mạng xã hội (ví dụ: kết nối với bạn bè) thấp hơn hẳn so với mặt tiêu cực của nó (ví dụ: so sánh, đố kỵ, lo lắng, thiếu tự tin, hời hợt). Theo đuổi hào quang trên thế giới ảo, thay vì dẫn đến sự thỏa mãn lâu dài, có thể gây ra cảm giác cô đơn, lo lắng, hời hợt và trầm cảm.
Điều quan trọng là phải phân biệt giữa các loại chấp thuận hời hợt đạt được từ danh tiếng trên mạng xã hội và sự thỏa mãn thực sự có được thông qua các mối quan hệ sâu sắc và có ý nghĩa. Một trong những yếu tố quyết định mức độ thành công trong cuộc sống là chiều sâu và bề rộng của thế giới bao quanh họ. Phục vụ những người khác – dù là đến thăm nhà người già neo đơn hay làm việc trong bếp ăn từ thiện – là những công việc chắc chắn sẽ cải thiện cuộc sống của bạn. ‘Phông bạt’ trên mạng xã hội để nổi tiếng và nhận được những icon ngưỡng mộ sẽ chỉ đem đến sự trống rỗng hơn là hạnh phúc.

3) Đồ xa xỉ đem lại hạnh phúc ngắn ngủi

Nếu thường xuyên lướt Instagram hoặc TikTok, bạn có thể đã thấy hàng loạt video phổ biến trên newsfeed bóc tem chi phí quần áo hàng hiệu, xe hơi hoặc nhà ở và cách họ kiếm được khoản tiền khổng lồ đó. Thông điệp ẩn trong những video này dường như là: Khi chúng ta có một chiếc áo khoác, xe hơi hoặc biệt thự đắt tiền, chúng ta là người hạnh phúc.
Nhưng những món đồ xa xỉ cũng sẽ không làm bạn hài lòng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tích lũy của cải vật chất – giống như tích lũy tiền – không cải thiện mức độ hài lòng trong cuộc sống và thực sự có thể dẫn đến cảm giác lo lắng, bất an và trống rỗng sâu sắc hơn. Cũng giống như tiền bạc, dù chúng ta có bao nhiêu thứ, người khác luôn có nhiều hơn. Chính hành động tìm kiếm địa vị là một cuộc đua bề ngoài tạo ra lo lắng hơn là phương tiện phát triển nội lực. Bất cứ một món đồ mới mua nào, dù là ô tô hay máy tính, cuối cùng cũng sẽ hao mòn và nhu cầu thay thế sẽ xuất hiện một sớm một chiều.
Trải nghiệm thì ngược lại. Chuyến du lịch gia đình hàng năm đến bãi biển quen thuộc hoặc khám phá một địa danh mới với bạn bè làm tăng thêm sự hài lòng trong cuộc sống và để lại cho chúng ta niềm hạnh phúc lâu dài hơn. Không giống như hầu hết những món đồ bóng bẩy, trải nghiệm tạo ra những kỷ niệm lâu dài, mở rộng tầm nhìn và khiến chúng ta suy nghĩ tích cực hơn. Khi dành thời gian với bạn bè, sự có mặt rạng rỡ của bạn mang đến cơ hội đầu tư vào các mối quan hệ sâu sắc và gắn bó.
Đồ xa xỉ sẽ không bao giờ là đủ để mang lại ý nghĩa, mục đích hoặc niềm vui cho cuộc sống nhưng kinh nghiệm và các mối quan hệ thì có.
Điều trớ trêu của cuộc sống là chúng ta thường theo đuổi những thứ mà chúng ta nghĩ rằng sẽ khiến bản thân hạnh phúc và mãn nguyện, chỉ để cuối cùng, hiểu được rằng đó là những điều mang lại trống rỗng và lo lắng hơn khi ta đạt được. Thay đổi hành vi để hướng đến những điều đúng đắn – mục đích, các mối quan hệ có ý nghĩa, phục vụ cộng đồng và trải nghiệm tích cực – cũng như tránh xa những lời hứa hão huyền về tiền bạc, vật chất và sự chú ý, có thể giúp chúng ta có cuộc sống vui vẻ và viên mãn hơn.