Tình trạng sa thải nhân viên ồ ạt gần đây của các công ty lớn đồng thời khiến họ phải đối mặt với một vấn đề quan trọng hơn: những nhân viên giỏi và lâu năm cũng xin nghỉ việc. Thách thức giữ chân nhân lực giỏi trở thành mối lo thực sự. Điều này cũng thường xuyên diễn ra với các startup.

Dù tiền lương là một trong những nguyên nhân quan trọng (như bạn sẽ thấy bên dưới), nhưng lại không phải là yếu tố tạo ra trải nghiệm tích cực tổng thể. Các số liệu đã chứng thực 3 lý do chính khiến nhân viên giỏi nghỉ việc dưới đây:

nghỉ việc

1. Quản lý trực tiếp

Lý do khiến nhân viên lâu năm hoặc nhân sự giỏi muốn nghỉ việc hầu hết đều liên quan đến mối quan hệ với sếp. Một nghiên cứu cho thấy gần một nửa người lao động đã nghỉ việc thừa nhận nguyên nhân là do quản lý tồi và gần 2/3 số đó tin rằng quản lý của họ không được đào tạo kĩ năng lãnh đạo phù hợp.

Gallup đã kết luận từ kho dữ liệu hàng chục năm và các cuộc phỏng vấn với hàng triệu nhân viên rằng 70% mức độ gắn kết của một đội nhóm do người quản lý quyết định. Tuy nhiên, chúng ta đang ở thời kỳ hậu đại dịch và các tổ chức không sa thải hàng loạt tiếp tục áp dụng mọi chiến lược để giữ chân người lao động không nghỉ việc — từ trả lương cao hơn, nhiều đặc quyền hơn, nhiều lựa chọn công việc linh hoạt hơn đến nhiều nguồn lực chăm sóc hơn. Tuy nhiên, phần lớn không xem xét vai trò và tác động từ quản lý đối với nhân viên. Chúng ta hẳn đã nghe slogan này trước đây: Nhân viên rời bỏ người quản lý, không phải công ty.

Xem ngay: 5 kiểu sếp hãm điển hình và cách xử lý

Trong số rất nhiều mối quan hệ một người sẽ phát triển tại nơi làm việc, mối quan hệ với người quản lý có tác động đáng kể đến trải nghiệm tổng thể, thậm chí còn hơn cả mối quan hệ với đồng nghiệp. Cụ thể hơn, nhân viên cần phải cảm thấy có một kênh giao tiếp cởi mở và hỗ trợ với người quản lý đủ để thoải mái thảo luận về các chủ đề như lương thưởng và công việc.

Sự thừa nhận của cấp quản lý là rất quan trọng và phải là ưu tiên hàng đầu với các công ty muốn giữ chân nhân viên không nghỉ việc cũng như tránh chi phí tuyển dụng cao.

2. Không có định hướng hay lộ trình phát triển

Theo một nghiên cứu với hơn 18.000 nhân viên tuyến đầu tại 150 công ty, thiếu định hướng phát triển nghề nghiệp là lý do hàng đầu dẫn đến nghỉ việc. Điều này có thể gây sốc cho phần lớn người lao động trẻ ở Việt Nam vốn ưu tiên tiền lương. Chắc chắn rồi, tiền lương rất quan trọng — nhưng chỉ đứng ở vị trí thứ 2 — và chỉ tiền thôi thì không đủ. Đối với lực lượng lao động có chuyên môn cao được khảo sát, không ai muốn chỉ chấm công và nhận tiền. Họ tìm kiếm công việc có ý nghĩa, phát triển kỹ năng và xây dựng con đường sự nghiệp rõ ràng.

Nhiều phụ nữ trong ngành công nghệ cũng tiếp tục đấu tranh với các rào cản giới tính. Nghiên cứu từ nhà cung cấp dịch vụ Ensono cho thấy phụ nữ trong các lĩnh vực như công nghiệp, công nghệ, kĩ thuật… vẫn gặp phải sự bất bình đẳng và khó chịu ở nơi làm việc (cả từ xa và tại văn phòng), ngăn cản họ phát triển sự nghiệp trong khi thôi thúc họ nghỉ việc nhanh hơn.

Dù mong muốn có thêm cơ hội học tập và phát triển không chỉ có ở nhân viên nữ nhưng nó cần phải là yếu tố chính trong kế hoạch tuyển dụng, giữ chân và phát triển lực lượng nhân sự. 60% phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ  tại Mỹ cho biết họ đã được các nhà tuyển dụng nói rằng họ thiếu nền tảng giáo dục và kĩ năng phù hợp. Tuy nhiên, nhiều công ty không cung cấp các chương trình cố vấn hoặc các khóa đào tạo để họ học tập và phát triển, khiến họ có xu hướng tìm kiếm những nhà tuyển dụng có cung cấp đào tạo nội bộ hoặc các khóa học tính phí. Với 20% phụ nữ cho biết đang dự định nghỉ việc trong năm tới, các nhà lãnh đạo biết cách ưu tiên phát triển định hướng nghề nghiệp như một chiến lược giữ chân thực sự rất thông minh.

nghỉ việc

3. Tiền lương là lý do nghỉ việc của mọi vị trí

Xu hướng nghỉ việc tập thể gần đây tại một số nước phương Tây đã là một hồi chuông cảnh tỉnh, buộc các nhà lãnh đạo phải chấp nhận rằng nhu cầu của nhân viên phải được ưu tiên và các giải pháp ưu tiên con người là điều cần thiết. Hiện nay, mối quan tâm hàng đầu đối với nhiều tổ chức là cam kết sửa đổi cơ cấu lương thưởng cho nhân viên.

Theo Chỉ số lạc quan nghề nghiệp, một cuộc khảo sát năm 2022 của Đại học Phoenix với 5.000 nhân viên và 500 nhà tuyển dụng tại Mỹ, cứ ba người thì có một người sẵn sàng từ bỏ công việc hiện tại mà không có kế hoạch dự phòng nhưng 69% sẽ cân nhắc ở lại nếu họ cho rằng tình hình có thể thay đổi.

Trong khi nhiều tổ chức đang đầu tư đáng kể để phát triển và thăng tiến cho nhân viên, nghiên cứu cũng cho thấy phần lớn các nhà tuyển dụng chưa có nhiều nỗ lực để đảm bảo phúc lợi công bằng và an toàn tài chính cho người lao động. 86% người sử dụng lao động nghĩ rằng nhân viên hài lòng với mức lương của họ, nhưng gần một nửa số nhân viên được khảo sát không hài lòng và 56% đang phải sống bằng tiền lương.

Chênh lệch lương và thiếu an ninh tài chính là những yếu tố chính dẫn đến hiện tượng nghỉ việc tập thể trong suốt giai đoạn đầy biến động này. Nhà tuyển dụng phải minh bạch hơn về các vấn đề liên quan đến lương thưởng để có thể đồng quan điểm với lực lượng lao động — và khi có bất đồng, người sử dụng lao động phải sẵn sàng hành động để cải thiện chế độ đãi ngộ.