Khi Elon Musk một lần nữa cân nhắc mua lại Twitter, nhiều người bắt đầu thảo luận về tương lai của một trong những MXH lớn nhất thế giới này với sự “tiếp quản” của CEO Tesla.

Elon Musk đã thực hiện một quyết định bước ngoặt đối với thương vụ mua lại Twitter khi đầu năm nay tuyên bố mua, sau đó từ bỏ (Twitter ước tính trị giá 44 tỷ USD vào thời điểm đó) và đến tháng 9/2022 lại một lần nữa quay lại cân nhắc kế hoạch của mình cho nền tảng truyền thông xã hội. Hiện cả 2 bên đang thảo luận về cách hoàn tất giao dịch, với kỳ vọng rằng CEO Tesla sẽ mua Twitter với mức giá thỏa thuận là 54,20 USD/ cổ phiếu.

Tất nhiên, có khả năng Musk sẽ lại từ bỏ giao dịch này, nhưng nếu tỷ phú giàu nhất thế giới thực hiện đúng ý định của mình lần này, Twitter có thể sẽ có rất nhiều thay đổi.

Elon Musk muốn Twitter giải quyết các vấn đề về quyền tự do ngôn luận

Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất xung quanh thỏa thuận Twitter, vào thời điểm người đàn ông giàu nhất thế giới có vẻ thực sự muốn mua nó, là mối quan tâm của Elon Musk về quyền tự do ngôn luận. Musk tự xưng là “người theo chủ nghĩa tự do ngôn luận”, thường xuyên lo ngại về việc nền tảng này hạ một số bài đăng bằng các thuật toán quản lý để hạn chế tiếp cận người dùng.

Trong một cuộc phỏng vấn trước khi đồng ý mua Twitter, Elon Musk đã nêu lên lo ngại về việc “có những tweet được hiển thị tốt và tweet bị hạ cấp một cách bí ẩn mà không có cái nhìn sâu sắc về những gì đang diễn ra”. Ông gợi ý rằng một thuật toán mã nguồn mở có thể giải quyết dứt điểm vấn đề này của Twitter.

Elon Musk có thể thực hiện nhiều thay đổi nếu hoàn tất thương vụ mua Twitter. (Nguồn: CNBC)

Trước đây, khi người chơi podcaster Joe Rogan đã hỏi giám đốc điều hành Tesla vào tháng 4 rằng liệu ông có “giải phóng Twitter khỏi sự kiểm duyệt của đám đông vui vẻ” hay không. Musk trả lời: “Tôi sẽ cung cấp lời khuyên, mà họ có thể chọn làm theo hoặc không”.

Cũng trong quá khứ Mathias Döpfner, CEO của tập đoàn truyền thông Axel Springer (bao gồm tờ Politico), thúc giục Musk làm cho Twitter “miễn kiểm duyệt” và tạo ra một “thị trường cho các thuật toán” để “nếu bạn là một bông tuyết và không muốn nội dung xúc phạm bạn, hãy chọn một thuật toán khác”.

Elon Musk cũng cho biết ông chống lại việc kiểm duyệt “vượt xa luật pháp”, nhưng thực tế luật pháp về kiểm duyệt truyền thông và mạng xã hội đang thay đổi ở Anh (với dự luật an toàn trực tuyến) và ở Liên minh châu Âu EU áp dụng với các dịch vụ kỹ thuật số nói chung.

Twitter của Musk sẽ phục hồi tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump?

Với quan điểm tự do ngôn luận của Musk, những người bị cấm sử dụng nền tảng Twitter có thể lấy lại tài khoản của họ. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị khóa tài khoản vào tháng 1/2021 sau cuộc bạo động ở Điện Capitol và Elon Musk đã nói rằng ông sẽ thay đổi điều đó. Khi được hỏi vào tháng 5 về Trump, Musk nói: “Tôi sẽ đảo ngược lệnh cấm vĩnh viễn”, nói thêm rằng Twitter vốn là một nền tảng “thiên vị cánh tả”.

Các nhân vật khác bị cấm trên Twitter bao gồm nhà lý thuyết âm mưu người Mỹ Alex Jones và nhà bình luận cánh hữu Katie Hopkins ở Anh. Nếu Musk mua đứt Twitter thì rất có thể những tài khoản này cũng sẽ được khôi phục.

Cắt giảm chi phí vận hành Twitter

Nguồn tài chính của Elon Musk cho việc tiếp quản bao gồm 13 tỷ USD nợ ngân hàng sẽ nằm trong bảng cân đối kế toán của Twitter. Khoản nợ đó sẽ cần phải được trả và trong kết quả gần đây nhất của nó, Twitter đã tạo ra dòng tiền tự do âm (chi tiêu nhiều tiền mặt hơn để vận hành công việc kinh doanh) là gần 124 triệu USD. Twitter sẽ phải làm tốt hơn điều đó về mặt tài chính và việc cắt giảm chi phí đã xuất hiện trong suy nghĩ của Musk.

Bloomberg đưa tin vào tháng 4 rằng trong khi đàm phán tài chính cho việc tiếp quản, Musk đã đề cập đến việc cắt giảm chi phí và cắt giảm nhân sự để cải thiện lợi nhuận của công ty. Twitter đang có khoảng 7.500 nhân viên.

Vào tháng 6, ông nói với các nhân viên Twitter rằng công ty “cần phải khỏe mạnh” về mặt tài chính và giảm chi phí. “Hiện tại, chi phí đã vượt quá doanh thu”, Elon Musk cho biết thêm: “Đó không phải là một tình huống lý tưởng”.

Ngoài ra, trong một tuyên bố hôm 4/10 vừa qua, CEO Tesla Elon Musk đã tweet rằng việc mua Twitter là “một chất tăng tốc để tạo ra X, ứng dụng gì cũng có”.