Dự trữ ngoại hối toàn cầu đang giảm với tốc độ kỷ lục nhanh nhất, các ngân hàng trung ương từ Ấn Độ đến Cộng hòa Séc đều phải thực hiện các biện pháp can thiệp để hỗ trợ đồng tiền của họ.

Dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm kỷ lục trong năm 2022

Cụ thể, dự trữ toàn cầu đã giảm khoảng 1.000 tỷ USD, tương đương 7,8% trong năm nay xuống còn 12 nghìn tỷ USD – mức giảm mạnh nhất kể từ khi Bloomberg bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 2003.

Một nguyên nhân đáng kể gây ra sự sụt giảm hơn một nửa (theo ước tính từ Steven Englander – người đứng đầu toàn cầu về nghiên cứu ngoại hối G-10 của Standard Chartered Plc) là do những thay đổi về định giá. Khi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ so với các đồng tiền dự trữ khác, như đồng euro và đồng yên Nhật thì các đồng tiền đó đã bị giảm giá trị và sức ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, việc dự trữ ngoại hối ngày càng cạn kiệt cũng phản ánh sự căng thẳng trên thị trường tiền tệ, đang buộc ngày càng nhiều ngân hàng TW phải nhúng tay vào để chống lại sự sụt giảm giá trị của các đồng tiền tệ pháp định.

USD tăng giá được cho là một trong những nguyên nhân gây lên áp lực với dự trữ ngoại hối toàn cầu. (Ảnh: THBL)

Ví dụ, kho dự trữ ngoại hối của Ấn Độ đã giảm 96 tỷ USD trong năm nay xuống còn 538 tỷ USD. Ngân hàng trung ương nước này cho biết những thay đổi định giá tài sản chiếm 67% sự suy giảm dự trữ trong năm tài chính từ tháng 4 (ngụ ý phần còn lại đến từ sự can thiệp để nâng đỡ tiền tệ). Thực tế, đồng rupee đã mất giá khoảng 9% so với đồng USD trong năm nay, và xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 9/2022.

Về phần mình, Nhật Bản đã chi khoảng 20 tỷ USD vào tháng 9 để làm chậm đà trượt giá của đồng yên Nhật, và đây là lần can thiệp đầu tiên để hỗ trợ đồng tiền này kể từ năm 1998. Trên thực tế, dự trữ ngoại hối của Nhật vẫn sẽ giảm tới 19% trong năm nay. Trong khi đó, một cuộc can thiệp tiền tệ ở Cộng hòa Séc đã giúp giảm dự trữ ở đó 19% tính từ tháng 2/2022.

Ông Axel Merk, Giám đốc đầu tư tại Merk Investments cho biết: “Đây là một phần của danh mục các triệu chứng của chim hoàng yến trong mỏ than” (thành ngữ nói về một dấu hiệu nguy hiểm đang đến). “Các vết nứt đang lộ ra. Và những lá cờ đỏ cảnh báo đó sẽ đến với tốc độ ngày càng tăng”.

Sử dụng dự trữ ngoại hối bảo vệ nội tệ không phải phương pháp mới

Mặc dù mức độ suy giảm là bất thường, nhưng thực tế sử dụng dự trữ ngoại hối để bảo vệ tiền tệ không phải là điều gì mới. Các ngân hàng trung ương mua USD và tích trữ dự trữ của họ để làm chậm sự tăng giá tiền tệ khi dòng vốn nước ngoài tràn vào. Trong những thời điểm tồi tệ, ngân hàng TW các quốc gia phải sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối để làm dịu bớt cú đánh từ việc tháo chạy vốn.

Ông Alan Ruskin, trưởng chiến lược gia quốc tế tại Deutsche Bank AG cho biết: “Một số quốc gia, đặc biệt là các nước ở châu Á có thể đi theo cả 2 cách, xoa dịu điểm yếu và tăng cường sức mạnh.

Hầu hết các ngân hàng trung ương vẫn có đủ sức mạnh để tiếp tục can thiệp nếu họ muốn. Dự trữ ngoại hối của Ấn Độ vẫn cao hơn khoảng 49% so với mức đầu năm 2017, và đủ để thanh toán cho 9 tháng nhập khẩu. Các ngân hàng TW khác bao gồm Indonesia, Malaysia, Trung Quốc và Thái Lan sẽ công bố dữ liệu dự trữ ngoại hối mới nhất của họ vào giữa tháng 10.

Tuy nhiên, không phải tình hình với tất cả các ngân hàng TW đều khả quan, nhiều quốc gia đang nhanh chóng cạn kiệt. Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy sau khi giảm 42% trong năm nay, 14 tỷ USD dự trữ của Pakistan không đủ để trang trải cho 3 tháng nhập khẩu.

Dữ liệu về dự trữ ngoại hối của Nhật Bản, quốc gia có quy mô dự trữ lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc ở mức 1,238 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 9, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3/2017 được đưa ra 1 tuần sau khi số liệu riêng của Bộ Tài chính cho thấy Tokyo đã chi tới 2,8 nghìn tỷ yên (19,32 tỷ USD) để can thiệp vào thị trường.

Các thị trường đồn đoán rằng Tokyo đã trao đổi để tiến hành can thiệp bán USD sau khi đồng yên giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng bạc xanh. Dữ liệu của Bộ Tài chính nước này dường như ủng hộ giả định đó, vì nó cho thấy sự sụt giảm kỷ lục về giá trị của chứng khoán.