Thị trường chứng khoán năm 2022 đầy rẫy rủi ro và biến động, tuy nhiên, dường như Warren Buffett và Berkshire Hathaway của ông vẫn đang làm ăn thuận lợi và vượt qua mọi thách thức từ thị trường.

Các nhà đầu tư trên khắp thế giới đang cố gắng điều chỉnh danh mục đầu tư của họ để đối phó với các đợt tăng lãi suất lớn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ngân hàng Anh và các ngân hàng trung ương khác trong năm nay. Tuy vậy, Warren Buffett không có lý do gì để lo lắng với các danh mục đầu tư chứng khoán của ông.

Những khoản đầu tư sinh lời của Warren Buffett và Berkshire Hathaway trong năm 2022

Có vẻ như “Nhà tiên tri xứ Omaha” sẽ hoàn toàn có thể cười tươi cho đến cuối năm nay. Cổ phiếu của Berkshire Hathaway (BRKB) của Warren Buffett tăng khoảng 5,5% vào năm 2022 – bất chấp việc S&P 500 đã giảm hơn 15% khi chứng khoán Mỹ và thế giới lao đao.

Buffett đã được hỗ trợ bởi thực tế là Berkshire có cổ phần lớn trong công ty dầu mỏ Chevron (CVX), đây là cổ phiếu tốt nhất trong chỉ số Dow năm nay với mức tăng gần 50%. Berkshire Hathaway cũng sở hữu một cổ phần lớn ở Occidental Petroleum (OXY), vốn đã tăng hơn gấp đôi trong năm nay. Những vụ đầu tư thông minh đã giúp công ty của Warren Buffett đứng vững và trở thành người chiến thắng lớn nhất trong S&P 500.

Phân tích toàn diện thị trường chứng khoán

Mối quan tâm của Buffett đối với các cổ phiếu tiêu dùng kém giá trị cũng đã giúp ích cho ông rất nhiều vào năm 2022 khi chứng khoán đi xuống. Berkshire có cổ phần lớn trong Coca-Cola (KO) và Kraft Heinz (KHC), mỗi cổ phiếu đều tăng khoảng 10% trong năm 2022.

Berkshire Hathaway trên thực tế là một tập đoàn lớn sở hữu các công ty từ Geico và đường sắt Burlington Northern Santa Fe cho đến các thương hiệu tiêu dùng như Dairy Queen, Fruit of the Loom và Duracell, cũng đã trụ vững tương đối tốt trong một năm đầy biến động của nền kinh tế và thị trường nói chung và chứng khoán nói riêng.

Warren Buffett và Berkshire Hathaway của ông đã có một năm 2022 thành công bất chấp biến động của thị trường chứng khoán và nền kinh tế. (Ảnh: The Motley Fool)

Công ty đã lỗ ròng trong 3 quý đầu năm 2022 do sự sụt giảm giá trị của các khoản đầu tư hàng đầu khác như đầu tư vào Apple (AAPL), Bank of America (BAC) và các cổ phiếu tài chính khác. Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh thực tế của Berkshire Hathaway đang hoạt động bình thường và “ăn nên làm ra”.

Lợi nhuận hoạt động của Berkshire Hathaway – thước đo mà cả Warren Buffett cũng như các nhà phân tích Phố Wall thích sử dụng làm thước đo sức khỏe của công ty – đã tăng gần 20%, lên 24,1 tỷ USD chỉ trong 9 tháng đầu năm.

Buffett và Berkshire có thể tiếp tục là kẻ chiến thắng vào năm 2023 không? Nhiều thách thức còn ở phía trước khi giá dầu giảm và lạm phát lên đến đỉnh điểm. Điều đó có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp tiện ích và năng lượng khổng lồ của Berkshire. Lãi suất cao hơn cũng có thể tiếp tục gây ảnh hưởng đến các khoản đầu tư ngân hàng của Berkshire.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng sẽ mong đợi các cộng sự của Warren Buffett công khai hơn về cách họ dự định điều hành công ty trong một thế giới “hậu Buffett”. Warren Buffett bước sang tuổi 93 vào tháng 8 tới trong khi phó chủ tịch Berkshire và người bạn tâm giao lâu năm của Buffett, Charlie Munger cũng sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 99 của ông vào ngày đầu năm mới.

Vì vậy, thật công bằng khi tự hỏi chương trình Warren và Charlie sẽ diễn ra trong bao lâu nữa. May mắn thay cho các nhà đầu tư Berkshire, một kế hoạch kế nhiệm đã được thực hiện. Phó Chủ tịch Greg Abel cuối cùng sẽ trở thành Giám đốc điều hành Berkshire trong khi các bậc thầy đầu tư của Buffett là Ted Weschler và Todd Combs sẽ quản lý danh mục đầu tư.

Nhiều quản lý, CEO không mua cổ phiếu Berkshire Hathaway

Nhìn chung, Berkshire đã tận dụng sự hỗn loạn của thị trường tài chính, chứng khoán năm nay để kiếm được một số món hời. Taiwan Semiconductor (TSM) là một ví dụ mới nhất. Berkshire cũng đã tiếp tục mua lại cổ phiếu của chính mình nhưng thực tế, hầu hết CEO của công ty dường như không háo hức mua vào đợt giảm giá năm nay.

Theo nghiên cứu từ VerityData, chỉ có khoảng 5.000 thành viên của các nhóm quản lý đã mua cổ phiếu của chính công ty họ trong năm nay. Con số này giảm so với khoảng 6.500 người mua trong thị trường gấu xảy ra vì Covid-19 vào năm 2020. Đây có thể là một dấu hiệu xấu hay không? Liệu có phải các CEO và nhà lãnh đạo C-suite khác không mua vì họ không tự tin về sự phục hồi của thị trường chứng khoán?

Việc thiếu động lực mua cổ phiếu nội bộ thậm chí còn rõ ràng hơn khi các CEO hàng đầu như Jamie Dimon của JPMorgan Chase (JPM) và David Solomon của Goldman Sachs (GS) cũng đã đưa ra những nhận xét thận trọng về nền kinh tế gần đây. Thế nhưng, ông Ben Silverman, giám đốc nghiên cứu tại VerityData, cảnh báo các nhà đầu tư không nên quá lo lắng – đó là bởi vì những người đang nắm giữ cổ phiếu nội bộ không mua thêm nhưng cũng không bán ra.

Có thể thấy, các CEO và những người khác trong công ty đều đang chọn cách thận trọng. Họ thực sự không chắc thị trường chứng khoán và nền kinh tế đang hướng tới đâu.