Sau vụ Vạn Thịnh Phát vỡ lở, bà Trương Mỹ Lan bị bắt và ngân hàng SCB gặp phải nhiều khó khăn do danh tiếng bị ảnh hưởng, nhiều khách hàng cảm thấy như mình đã bị lừa mua trái phiếu doanh nghiệp với những chiêu trò đánh tráo khái niệm.

SCB đã thuyết phục khách hàng mua trái phiếu bằng cách nào?

Theo thông tin ghi nhận, đã có hơn 40,000 người đã mua trái phiếu Vạn Thịnh Phát ở ngân hàng SCB. Nhiều câu chuyện được kể trên mạng xã hội, các hội nhóm và diễn đàn đã làm vỡ lẽ lý do vì sao các nhân viên tiếp thị, kinh doanh của ngân hàng có thể thuyết phục được nhiều khách hàng như vậy, bất chấp thực tế là trái phiếu doanh nghiệp những năm gần đầy không thực sự được xem là một khoản đầu tư hấp dẫn.

Theo đó, trên thực tế thì nhiều khách hàng tìm đến SCB là để tìm hiểu về các gói tiết kiệm và muốn gửi tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, nhân viên tư vấn, tín dụng tại ngân hàng đã rất khéo léo khi đề xuất cho khách hàng mua gói trái phiếu với các thuật ngữ “Tiết kiệm linh hoạt,” “Đầu tư linh hoạt,” “Đầu tư tích lũy” và “Gửi tiền linh hoạt.”

Nhân viên SCB có thể đã dùng các thuật ngữ tài chính gây hiểu lầm để thuyết phục hàng chục ngàn khách hàng mua trái phiếu An Đông, Vạn Thịnh Phát. (Ảnh: Getty Image)

Bằng việc hoàn toàn không nhắc gì tới trái phiếu, nhân viên SCB đã khiến nhiều khách hàng hiểu lầm rằng thực chất mình vẫn sẽ gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Thậm chí, nhiều khách hàng đọc kỹ hợp đồng mới nhận ra rằng mình đang làm thủ tục mua trái phiếu SCB, nhưng hầu hết mọi người đều ký vì tin tưởng ngân hàng, cho rằng đó là gói tiết kiệm lãi suất cao.

Rõ ràng, nhân viên SCB đã tránh nói về rủi ro, không giải thích rõ ràng xem trái phiếu có thế chấp không, ngân hàng có mua lại không, và khả năng vỡ nợ là bao nhiêu. Khi vụ việc xảy ra, chẳng hạn như phát hiện những sai phạm tại An Đông và Vạn Thịnh Phát thì khách hàng tưởng rằng mình gửi tiết kiệm mới vỡ lẽ, thực chất là mình mua trái phiếu doanh nghiệp.

Phản ứng gay gắt của nhiều khách hàng SCB chủ yếu là vì họ cảm giác mình đã bị lừa. Vụ việc điều tra với những người đứng đầu công ty An Đông và Vạn Thịnh Phát đã khiến biết bao khách hàng lo lắng, bất an về việc có thể mất trắng tiền.

Lợi dụng sự nhầm lẫn về thuật ngữ tài chính

Trong quá khứ, ở một số giai đoạn khủng hoảng tài chính, nhiều người đã lao đao, phá sản vì những khoản đầu tư sai lầm hoặc mất tiền oan do không hiểu rõ bản chất của các gói đầu tư. Suy cho cùng, cho dù là với bất cứ mặt hàng nào, đa số chúng ta đều sẽ không chi tiền nếu không hiểu rõ, không nắm chắc về tác dụng, cơ hội kiếm tiền hoặc sử dụng hiệu quả trong thực tế – chưa nói đến hàng chục triệu, hàng trăm thậm chí là hàng tỷ đồng dành để mua trái phiếu.

Nếu các nhân viên ngân hàng, tư vấn viên giải thích rõ rằng mình đang giới thiệu về tài sản đầu tư là trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, rủi ro cao thì gần như 10 người sẽ có đến 9 người từ chối. Tuy nhiên, bởi vì sử dụng những thuật ngữ tài chính không chính xác, gây hiểu lầm nên khách hàng cảm thấy bản thân được giới thiệu về một gói tiết kiệm hoặc đầu tư vô cùng an toàn và sẵn sàng tin tưởng, chi tiền.

Không riêng gì vụ việc SCB bán trái phiếu, việc đánh tráo khái niệm để tư vấn và bán dịch vụ tài chính, bảo hiểm không phải là hiếm. Rất nhiều công ty bảo hiểm thường thuyết phục khách hàng của mình mua các gói bảo hiểm tích lũy, bảo hiểm liên kết đầu tư hoặc tham gia đầu tư liên kết,… để khách hàng cảm thấy tin tưởng. Trong khi thực tế thì trừ bảo hiểm nhân thọ được bảo trợ, những tài sản bảo hiểm khác không có sự đảm bảo theo những lời giới thiệu của tư vấn viên.

Để hạn chế những vụ việc như mua trái phiếu doanh nghiệp đầy rủi ro đã xảy ra với người mua trái phiếu Vạn Thịnh Phát, An Đông mà vẫn tưởng rằng mình đang gửi tiết kiệm ngân hàng SCB, bản thân khách hàng cần tìm hiểu và tỉnh táo để không hiểu rõ cơ hội, thách thức của các khoản đầu tư cụ thể. Có kiến thức tài chính cơ bản, đọc kỹ và hiểu hợp đồng trước khi ký kết, giao tiền sẽ giúp đảm bảo tài chính cho các giao dịch giá trị lớn.