Trong những tình huống gây stress, não của chúng ta có thể cảm thấy như là kẻ thù tồi tệ nhất của mình, khiến chúng ta khó có thể duy trì hoạt động bình thường, hiệu quả bởi những suy nghĩ lo lắng thái quá, tim đập nhanh.

Lo lắng dữ dội kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm, một mạng lưới các dây thần kinh kích hoạt phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” trước mối nguy hiểm được nhận thức. Tuy nhiên, thay vì bảo vệ chúng ta, điều đó đôi khi gây bất tiện – ví dụ: Nếu bạn đang tham gia một cuộc phỏng vấn xin việc và cố gắng gây ấn tượng với nhà tuyển dụng thì dù bạn bị stress cũng không thể “bỏ chạy”. Không chỉ vậy, áp lực còn khiến bạn có nguy cơ thể hiện không tốt, mất đi cơ hội của mình.

May mắn thay, bạn có nhiều “quyền lực” hơn mình nghĩ. Là một nhà thần kinh học, Dr. Tara Swart Bieber – giảng viên MIT Sloan đã gợi ý sử dụng 3 bài tập chỉ mất vài phút để mọi người có thể giảm stress và khiến mình bình tĩnh trở lại, nắm chắc nhiều cơ hội để thành công trong cuộc sống, công việc. 

Stress có thể khiến bạn mất nhiều cơ hội, nhưng nếu biết cách tự cân bằng thì vẫn luôn có cơ hội thành công. (Ảnh: AMITA Health)

Tiếng thở dài chánh niệm

Để giảm stress, trước hết bạn nên học cách thở chánh niệm. Bạn nên ngồi thoải mái khi thấy các triệu chứng stress như thở hụt hơi, vai căng hoặc nhịp tim tăng lên. Những gì bạn cần làm gồm có: Hít một hơi thật sâu bằng mũi trong 5 giây và giữ nguyên; hít vào nhanh một lần nữa trong một giây và giữ hơi thở trong 3 giây; thở ra chậm bằng miệng trong 6 giây – đừng quên lặp lại chu kỳ 3 lần.

Lần hít vào thứ hai nhanh chóng đó làm cho các túi khí trong phổi, vốn xẹp xuống khi chúng ta hít vào xong, lại được bơm lại bằng không khí. Do đó, diện tích bề mặt trong phổi tăng lên và thải khí carbon dioxide ra khỏi cơ thể hiệu quả hơn. Điều này giúp thư giãn cơ thể và bạn cũng tránh được các dấu hiệu của stress như khó thở, run rẩy. Bên cạnh đó, thở ra một hơi thật dài cũng làm tăng nhẹ áp lực lên các thụ thể trong tim, truyền tín hiệu đến não để làm chậm nhịp tim.

Giải pháp giảm stress “bán kỳ nhông”

Sở dĩ cách đối phó với stress này được gọi là “bán kỳ nhông” vì mắt bạn chuyển động trong khi đầu bạn giữ yên, tương tự như hành vi của kỳ nhông. Bạn chỉ cần ngồi hoặc đứng ở tư thế thoải mái, đầu hướng về phía trước, sau đó chuyển mắt sang phải mà không quay đầu lại và nghiêng đầu về phía vai phải, giữ trong 30 đến 60 giây.

Tiếp theo đó, hãy để đầu của bạn trở lại vị trí trung lập và chuyển mắt của bạn để nhìn về phía trước một lần nữa. Đương nhiên bạn cũng có thể lặp lại các bước tương tự ở phía bên trái. Giải pháp bán kỳ giông kích thích các dây thần kinh phế vị – một hệ thống kiểm soát nhịp tim của bạn – và kích hoạt phản ứng thư giãn trong cơ thể chúng ta.

Thực hành động tác kỳ nhông 100%

Bài tập này sẽ khó thực hiện hơn nếu bạn đang ở bàn làm việc hoặc trong văn phòng, tuy nhiên, đây lại là một bài tập ở nhà cực kỳ hữu ích cho những ai đang muốn “đánh bay” stress.

Đầu tiên, bạn hãy quỳ trên 2 chân và 2 tay, đầu hướng xuống dưới, sau đó nhìn sang bên trái (chỉ đánh mắt, không quay đầu), sau đó mới dần nghiêng đầu sang trái – lưu ý để cột sống của bạn giữ thẳng khi đầu nghiêng sang trái và giữ trong 30 đến 60 giây.

Tiếp theo, bạn có thể đưa đầu và cột sống của bạn về trung tâm để duỗi thẳng rồi lặp lại các bước tương tự ở phía bên kia.

Với nhịp sống hiện đại cạnh tranh và nhiều áp lực, stress đã trở thành một trong những vấn đề mà hầu hết mọi người, đặc biệt là nhiều người trẻ phải đối diện. Căng thẳng, áp lực và stress lâu dài có thể đáng sợ, nhưng nếu bạn thực sự hiểu được cách cơ thể và bộ não của mình phản ứng trong những khoảnh khắc đó thì vẫn có thể loại bỏ một số áp lực, giúp chúng ta kiểm soát hệ thống thần kinh của mình và vui vẻ hơn, dễ thành công vượt qua các tình huống không như ý.