Trong môi trường công sở, ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất như một câu nói đùa quá trớn của đồng nghiệp, một lời phê bình mập mờ của sếp cũng khiến mỗi người hoang mang đến mức thà khen công việc kém còn hơn là trung thực nêu ý kiến mang tính xây dựng. Vì vậy, không mất nhiều thời gian để 5 kiểu đồng nghiệp khó ưa này làm huyết áp của chúng ta tăng lên cũng như mỗi ngày đi làm của chúng ta trở thành địa ngục.
Tránh né rõ ràng không phải cách nhưng với hầu hết mọi người, chẳng có bất cứ giải pháp thay thế nào tốt hơn. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các kỹ năng chuyên môn đã luôn được ưu tiên hơn kỹ năng giao tiếp và ứng xử. Không phải ai trong chúng ta cũng được dạy cách giải quyết xung đột, may mắn có được một người sếp mẫu mực hoặc trụ lại được qua quá trình thử và sai. Nếu bạn là một trong những nhân viên mới đang lúng túng trong vòng luẩn quẩn này, bạn buộc phải tìm ra cách giải quyết mối quan hệ với nhiều kiểu đồng nghiệp khó ưa theo bản năng hoặc có sự chuẩn bị.
Tin tốt là việc đối phó với xung đột là một kỹ năng có thể rèn luyện. Bạn không cần phải có khả năng đồng cảm, lôi cuốn hoặc thậm chí được quý mến để cải thiện các mối quan hệ tại nơi làm việc. Có 5 kiểu đồng nghiệp khó ưa cụ thể mà bạn có thể gặp tại tất cả các văn phòng. Dù rất khác nhau về các kiểu hành vi, những kiểu người này đều gây ra một hiệu ứng tâm lý chung: đe dọa cảm giác chắc chắn và khả năng kiểm soát của bạn trong công việc cũng như tâm trạng hàng ngày.
Dưới đây là một vài chiến lược ứng phó xoay quanh động cơ hành vi và điểm yếu của họ, hãy cùng bắt đầu thôi.

Thượng đội hạ đạp

Điểm tương thích lớn nhất của nhóm người ‘thượng đội’ là xu hướng ‘hạ đạp’. Nhưng hãy cẩn thận bởi hành vi của nhóm này thường khá tinh vi. Họ có thể đặt câu hỏi về năng lực của bạn trước mặt khách hàng hoặc đưa ra bình luận gay gắt về việc bạn “hiếm khi nỗ lực đi làm đúng giờ” với sếp.
Họ rất xuất sắc trong việc ghi nhận những tiêu chuẩn mà sếp quan tâm nhưng tài năng thực sự của họ nằm ở những công việc họ tình nguyện đảm nhiệm. Hầu hết kiểu đồng nghiệp khó ưa này sẽ đề nghị nhận các công việc sếp nên tự làm như gặp gỡ nhân viên mới. Chiến lược này giúp giảm khả năng họ bị phàn nàn cũng như tăng thiện cảm và tỉ lệ được đề bạt.
đồng nghiệp khó ưa
Những kẻ thượng đội hạ đạp thích nịnh bợ cấp trên và uy hiếp người dưới quyền họ.
Đừng đối đầu với họ. Đầu tiên, hãy bắt đầu nghiên cứu bằng cách tiếp cận với những nhân viên có mối quan hệ tốt hoặc dày dạn kinh nghiệm trong công ty – những người hiểu rõ về chính trị văn phòng và uy tín của các nhân viên khác. Tiếp theo, bạn nên trao đổi một cách thận trọng và đặt câu hỏi về trải nghiệm của họ với nhóm người kia mà không vội vã kể về trải nghiệm tồi tệ của mình. Hãy nhớ rằng, bạn đang cố gắng xây dựng nền tảng lòng tin, vì vậy hãy đưa ra các câu hỏi nhẹ nhàng và đơn giản.
Cuối cùng, mục tiêu của bạn là xây dựng sự hiểu biết về mức độ nghiêm trọng của vấn đề, biết được hững nạn nhân tiềm năng khác mà bạn có thể theo dõi và cùng giải quyết.

‘Lý Thông’ cướp công

‘Lý Thông’ là những đồng nghiệp khó ưa thuộc tuýp cơ hội và khôn khéo. Họ chờ đợi những thời điểm mơ hồ – không ai theo dõi được ai đã nói gì và làm gì – để cướp lấy sự ghi nhận. Biên bản các cuộc họp (không phải sau) là rất quan trọng để phân bổ khen ngợi và sự công nhận một cách chính xác. Ký ức mờ dần và những kẻ này thường lợi dụng hồi ức sai lệch về các sự kiện. Ý tưởng của bạn, khi được họ trình bày, sẽ được ghi công cho họ chứ không phải bạn.
Những Lý Thông thời hiện đại thích cướp mọi công lao về mình.
Họ biết cách tâng bốc và công khai. Những Lý Thông thông minh ngày nay sẽ nhận công, thường theo cách thức hoành tráng (như phát biểu trước tập thể), để khiến họ có vẻ hào phóng nhưng điều họ thực sự làm chỉ xảy ra sau cánh cửa phòng họp. Ví dụ, những người quản lý yếu kém hoặc lơ là thường ghi công cho họ thay vì kiểm tra lại quá trình làm việc của cả đội nhóm.
Cách xử lý tốt nhất hành vi của nhóm đồng nghiệp khó ưa này là tìm đúng thời điểm họ đang ‘giở trò’ và vạch trần sự thật. Nếu bạn học cách trau dồi và nâng cao “vị thế” của mình trong công việc, ý tưởng hay công sức của bạn sẽ gắn bó với bạn và chỉ bạn. Ảnh hưởng là thứ bạn cần phải có trong cuộc họp – và đồng nghiệp của bạn có thể giúp bạn thiết lập điều này (và ngược lại).
Trước cuộc họp tiếp theo, hãy tập hợp với các đồng nghiệp khác và lập kế hoạch. Hãy ghi rõ những đóng góp mà mỗi người trong số các bạn đã đảm nhiệm và ghi nhận công lao. Bằng cách này, bạn sẽ nâng cao ảnh hưởng của mỗi cá nhân trong nhóm và ngăn chặn các Lý Thông kịp trở tay hành động.

Đồng nghiệp khó ưa hay bắt nạt

Giàu kinh nghiệm và có quan hệ đội nhóm tốt, những kẻ bắt nạt này có biệt tài khiến những người chơi quyền lực đặt câu hỏi “điều gì đã xảy ra trong cuộc họp đó”. Đặt câu hỏi về quá trình thay vì kết quả là cách họ thường làm để gạt đi những quyết định chung mà họ không thích. Cách này cũng giúp họ có thời gian quay lại hậu trường và buộc mọi người đứng về phía họ.
Họ cần cù, đảm đương công việc không ai muốn làm. Điều này khiến hình ảnh họ trở nên vô giá và đáng quý trong những ngày đầu tiên, tăng khả năng thuyết phục và thao túng tập thể.
Kiểu đồng nghiệp này thích lấn lướt và thao túng ý kiến người khác.
Hãy đề phòng bản thân khỏi bị tuýp đồng nghiệp khó ưa này xáo trộn bằng cách học cách sớm “giữ vững vị trí” trong một vai trò hoặc tổ chức mới. Chúng ta thường nghĩ rằng những ý kiến ​​mạnh mẽ, được khẳng định sớm là cách tốt nhất để làm điều đó nhưng không phải như vậy. Thay vào đó, bạn nên thử một cách tiếp cận tinh tế hơn.
Hãy nhớ rằng một phần của vấn đề cũng có thể bắt nguồn từ sếp của bạn. Việc hạn chế tình trạng bắt nạt và thao túng ý kiến công việc đòi hỏi người ở vị trí quyền lực cao nhất phải công khai ngắt lời và khẳng định đã đến lúc để người khác nói. Tương tự như vậy, nếu tình trạng lấn lướt đang diễn ra ở hậu trường, sếp cần phải đứng về phía tập thể. Ví dụ: khi kẻ bắt nạt lên tiếng chỉ trích về một quy trình, họ cần kiểm tra với các thành viên khác trong nhóm để xác minh những lời đó có đúng sự thật hay không.

Quản lý tủn mủn

Điều mỉa mai của nhóm quản lý tủn mủn này là nếu bạn đang làm việc dưới quyền họ, bạn sẽ phải nỗ lực nhiều nhất và nhận được ít nhất ghi nhận. Họ yêu cầu bạn làm nhiệm vụ với các mốc thời gian hiếm khi hợp lý. Dự án lớn và dự án nhỏ đều cấp thiết như nhau.
Khi không còn đủ thứ để quản lý vi mô, họ sẽ giao cho bạn những nhiệm vụ khiến bạn phân tâm như đối chiếu tài liệu Excel theo cách thủ công vốn dĩ có thể được thực hiện với một vài dòng mã, dọn dẹp văn phòng đã được lau 5 lần hoặc “kiểm tra” các thực tập sinh mới tới 3 lần/ ngày. Nếu bạn đang thực hiện một phần nhỏ nhưng quan trọng của dự án lớn, đừng hi vọng sẽ thấy các chi tiết đồng bộ và hợp lý với nhau. Nhiều tuần, thường là vài tháng, sẽ trôi qua mà bạn vẫn tự hỏi, “Điều gì đã xảy ra với những bản trình bày PowerPoint mình đã chỉnh sửa?”.
Những quản lý tủn mủn thích chia nhỏ các công việc đến mức không thể kết nối lại với nhau.
Người quản lý vi mô rất giỏi trong việc truyền đạt cách thức kết hợp công việc của mọi người với nhau để tạo thành một tổng thể hoàn thiện. Điều đáng buồn là họ thường không làm được bởi phần lớn những công việc họ giao là vô nghĩa và thiếu đi tầm nhìn tổng quan. Dù họ làm việc rất chăm chỉ nhưng hầu hết lại không có kế hoạch dài hạn.
Đối đầu với kiểu đồng nghiệp khó ưa này là cần thiết nhưng bạn phải có một nghệ thuật ứng xử khéo léo. Hãy nhớ rằng điểm yếu lớn nhất của mối quan hệ với họ (ngoài việc kiệt sức) là các mục tiêu dài hạn đang bị bỏ qua. Khi bạn tiếp cận họ, đừng trình bày bằng cách thức vi mô như họ. Thay vào đó, hãy dẫn dắt bằng một cuộc trò chuyện cởi mở về việc đạt được mục tiêu toàn cảnh. Họ muốn thấy bạn hoàn thành công việc gì và bạn muốn hoàn thành công việc gì để phát triển sự nghiệp của mình?
Lên kế hoạch để đảm bảo đáp ứng được cả nhu cầu của bạn và sếp. Sau đó, hãy đồng ý theo dõi một số hoạt động ngắn hạn, có cấu trúc để đảm bảo tiến độ. Người quản lý vi mô thích những mục tiêu nhỏ nên hãy duy trì yếu tố này để đạt đến kết hợp win-win.

Kẻ thao túng (Gaslighter)

Gaslighters là những người có nhận thức xã hội lão luyện, những người tin rằng những người có địa vị thấp hơn có thể bị lợi dụng như một phương tiện tiến thân. Họ dành nhiều thời gian để lựa chọn nạn nhân và có khả năng nhạy bén phát hiện ra những dấu hiệu đỏ cho thấy ai đó đang nghi ngờ về hành vi của họ. Nếu bạn đang là mục tiêu của loại đồng nghiệp khó ưa này, bạn sẽ thấy họ thường bắt đầu từ những lời nói dối vụn vặt để đạt được những mục tiêu lớn hơn.
đồng nghiệp khó ưa
Những kẻ thao túng rất giỏi tung tin đồn thất thiệt và cô lập nạn nhân của họ.
Vũ khí bí mật của Gaslighter là tình trạng cô lập. Để chống lại, bạn cần xây dựng mạng lưới quan hệ hiệu quả. Tiếp cận một đồng nghiệp bạn từng giao lưu hoặc một quản lý khác để cơ bản nắm được danh tiếng của bạn tại nơi làm việc hiện nay là gì. Tuýp đồng nghiệp khó ưa này thường thích tạo ra một phiên bản hư cấu về những gì người khác nghĩ về bạn, vì vậy, việc biết những gì mọi người thực sự nghĩ là rất quan trọng. Nó có thể giúp bạn bước ra ngoài câu chuyện họ đã dựng lên và nhìn mọi thứ rõ ràng hơn.
Bạn cũng nên cố gắng tìm một người làm cầu nối – một đồng nghiệp có mối quan hệ tốt và biết nhiều người trong văn phòng hoặc công ty. Người này có thể giúp kết nối bạn với những người có tầm ảnh hưởng khác trong công ty. Xây dựng quan hệ với những người có ảnh hưởng (và tốt bụng), những người sẵn sàng tham gia và giúp đỡ sẽ giúp bạn có được sự bảo vệ và hỗ trợ cần thiết khi đối đầu với Gaslighter. Đừng bao giờ làm việc này quá công khai và đơn độc.