Khi thay đổi vị trí từ nhân viên thông thường lên vị trí lãnh đạo, công việc của bạn sẽ trải qua rất nhiều chuyển biến cơ bản, cả về ý nghĩa thực tế hàng ngày lẫn tác động cảm xúc và tâm lý cá nhân.
Để thực hiện một quá trình chuyển đổi thành công, một người sếp mới cần phải điều chỉnh cho phù hợp về cả kĩ năng và tư duy, cũng như cam kết áp dụng các nguyên tắc lãnh đạo làm nền tảng cho thành công sau này. Các chuyên gia HBR đã đưa ra nhiều gợi ý cho những người lần đầu nhận nhiệm vụ quản lý đội nhóm.
Chính xác thì điều gì sẽ thay đổi sau khi bạn làm sếp?

5 khác biệt lớn nhất sau khi làm sếp

1) Quan hệ bạn bè, đồng nghiệp không còn đơn thuần
Nếu bạn được thăng chức để lãnh đạo chính phòng ban cũ thì việc thiết lập lại mối quan hệ là vô cùng cần thiết. Lãnh đạo hiệu quả đòi hỏi sự công tâm trong cách đối xử với mọi thành viên. Bất kì hành động thiên vị cảm tính nào (ngoài cơ sở hiệu suất) sẽ xói mòn động lực và cam kết của cả tập thể. Quy tắc ngón tay cái là phải thân thiện nhưng không phải là bạn với những người từng thân thiết. Bạn buộc phải tạo ra một khoảng cách chuyên nghiệp giữa bản thân và các đồng nghiệp thân thiết trước đây.
2) Nhiệm vụ của bạn là lưu tâm tới mọi người
Trước đây, bạn chỉ cần chịu trách nhiệm về hành vi và hiệu suất bản thân nhưng sau khi làm sếp, trách nhiệm này được áp dụng cho toàn bộ đội ngũ của bạn. Bạn phải đảm bảo mọi thành viên trong nhóm đều có mục tiêu rõ ràng; sức khỏe thể chất và tinh thần được bảo vệ; luôn nhận được phản hồi rõ ràng và định hướng mạnh mẽ. Điều này cũng đòi hỏi những chính sách cân bằng đánh đổi giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tổ chức.
3) Bạn được tin tưởng giao phó các nguồn tài nguyên
Với tư cách là người lãnh đạo, bạn sẽ quản lý các nguồn lực của tổ chức bao gồm con người, tiền bạc và tài sản. Làm sếp hiệu quả đòi hỏi mọi quyết định phải tối ưu hóa các nguồn lực được giao. Quyền quản lý này phải được ưu tiên hơn danh tiếng, nỗi sợ hãi và xu hướng tư lợi cá nhân. Nếu bạn làm điều đúng đắn cho doanh nghiệp thì cuối cùng, doanh nghiệp sẽ làm điều đúng đắn với bạn.
4) Bạn phải đóng góp sâu rộng hơn
Tham gia đội ngũ lãnh đạo mang lại cho bạn cả tiếng nói, cơ hội và nghĩa vụ. Bạn không chỉ chịu trách nhiệm về kết quả của phòng ban mà còn phải đóng góp vào giá trị tập thể của tầng lớp quản lý tầm trung. Các nhà lãnh đạo vĩ đại luôn tìm cách tối ưu hóa giá trị tổng thể do nhóm cấp cao quản lý, ngay cả khi phải trả giá bằng chính công việc của mình.
5) Làm sếp là làm hài lòng các sếp cao hơn
Khi còn là một nhân viên bình thường, bạn có thể thoải mái phê bình các quyết định do cấp trên đưa ra nhưng khi làm sếp, bạn không thể. Bạn phải hỗ trợ các mục tiêu của đội nhóm, mục tiêu của CEO và của cả ban quản trị. Điều này không có nghĩa là bạn không được phép hỏi “làm thế nào” hoặc “tại sao”, nhưng cuối cùng, bạn được trả lương để thực hiện và làm theo ý định của ban quản lý cấp cao – dù bạn có đồng ý hay không. Nếu bạn tiếp tục phát triển và lên cấp cao hơn, cơ hội thay đổi cũng sẽ lớn hơn.
làm sếp
Làm sếp đòi hỏi rất nhiều kĩ năng chuyên môn cũng như thích nghi với môi trường.

7 điều làm sếp thành công phải biết

Giờ thì chúng ta đã hiểu rõ hơn về những thay đổi trong vai trò làm sếp. Vậy bạn cần có những kỹ năng gì để thích ứng với những thay đổi đó?
Các năng lực, kỷ luật và thói quen cơ bản của một nhà lãnh đạo có thể được học hỏi và áp dụng ở bất kỳ cấp độ nào. Tận dụng những nguyên tắc này ở giai đoạn làm sếp đầu tiên trong đời sẽ giúp điều hướng quá trình chuyển đổi vai trò trong sự nghiệp cũng như bất kỳ quá trình chuyển đổi nào trong cuộc sống mà bạn có thể gặp phải.
1) Cung cấp giá trị.
Mục tiêu chính của bạn với tư cách là một quản lý là tạo ra giá trị cho tổ chức.
Điều này nghe có vẻ thực dụng vì tâm trí của chúng ta ngay lập tức sẽ hướng tới giá trị tài chính. Nhưng giá trị có nhiều dạng, ví dụ: giảm tác động đến môi trường; xây dựng bầu không khí lành mạnh cho nhân viên của bạn; thu thập những hiểu biết sâu sắc hơn về thị trường, khách hàng và đối thủ cạnh tranh. Đây chỉ là một vài cơ hội vô tận mà bạn có thể tận dụng để tạo ra giá trị.
Công việc của bạn là xác định và truyền đạt giá trị có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh toàn ngành, tại doanh nghiệp và tại thời điểm hiện tại.
2) Xử lý xung đột.
Hầu hết mọi thứ bạn làm với tư cách là một nhà lãnh đạo đều có khả năng gây ra xung đột và trừ khi bạn có thể giải quyết xung đột một cách thoải mái, bạn sẽ vật lộn để dẫn đầu. Những người không thể xử lý xung đột cũng thường không thể thương lượng hiệu quả; dễ dàng trì hoãn những quyết định cần thiết nhưng không được ưa chuộng; bạn sẽ thấy hầu như không thể cống hiến những điều tốt nhất của mình. Việc chấp nhận và thể hiện sự tôn trọng trước nhu cầu danh tiếng là yếu tố cơ bản quan trọng đối với hiệu suất lãnh đạo.
3) Rèn luyện khả năng phục hồi.
Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những thất vọng, thất bại và trở ngại. Những người thành công chỉ đơn giản là xử lý những thời điểm khó khăn tốt hơn những người khác. Họ biết rằng không có gì là vĩnh viễn và họ có thể vượt qua những cơn bão nghịch cảnh. Họ cũng biết cách tận dụng những điều may mắn thỉnh thoảng xảy đến. Đối mặt và vượt qua nghịch cảnh củng cố khả năng phục hồi, vì vậy đừng trốn tránh mà hãy nắm lấy nó!
4) Làm việc đúng mức.
Bạn đang được trả tiền để lãnh đạo một nhóm gồm những người làm việc ở nhiều cấp độ khác nhau. Bây giờ bạn đang ở trên đỉnh của kim tự tháp đó, có nghĩa là công việc của bạn là hướng dẫn – không phải thực hành. Nếu bạn đang bận thực hiện công việc thay cho nhân viên thì bạn đang bỏ rơi trách nhiệm chính. Bạn càng thăng tiến trong một tổ chức, bạn càng xa hơn các công việc đơn giản. Khi làm sếp mới, điều quan trọng là bạn phải áp dụng một tư duy khác với tư duy của một nhân viên thông thường. Công việc của bạn là đảm bảo rằng các cá nhân trong nhóm của bạn tạo ra kết quả tốt nhất có thể.
5) Làm quen với sự mơ hồ
Phạm vi và độ phức tạp của các yếu tố bạn cần xem xét sẽ tăng lên đáng kể ở mọi cấp độ. Khi bạn chịu trách nhiệm vạch ra con đường dẫn đến thành công thay vì chỉ làm theo người khác, bạn phải đối mặt với sự mơ hồ lớn hơn. Công việc của bạn là ngồi thoải mái trong sự mơ hồ và chuyển nó thành sự chắc chắn cho nhân viên cáp dưới. Làm sếp hiệu quả là phải cung cấp được cho nhân viên định hướng rõ ràng về những gì họ cần làm để đạt thành quả.
Họ sẽ tìm kiếm sự đảm bảo, ổn định và có mục đích từ người sếp trực tiếp – và nếu bạn muốn họ làm việc với hiệu suất tốt nhất, bạn cần phải giao niềm tin và sự hỗ trợ cho họ. Để làm được điều đó, bạn phải hiểu rõ ràng về các mục tiêu dài hạn của tổ chức, cách làm việc của từng cá nhân trong nhóm, đóng góp vào các mục tiêu chung cũng như khả năng chắt lọc và truyền đạt điều đó cho mọi người của bạn.
làm sếp
6) Đưa ra quyết định chính xác
Các công ty thành công nhất đều có một điểm chung: đưa ra quyết định thông minh nhanh hơn so với đối thủ. Làm chủ được việc ra quyết định thông minh càng sớm, triển vọng của bạn càng cao. Các khoá đào tạo làm sếp chuyên nghiệp thường bắt đầu với việc xác định các yếu tố tạo nên một quyết định thành công và sau đó, học cách thực hiện quá trình này nhanh nhất có thể. Trong thực tế, những nhà lãnh đạo có thói quen trì hoãn quyết định thường phá hoại các giá trị trọng yếu này, muốn mọi người chấp thuận lựa chọn của họ. Do đó, hãy hành động một cách quyết đoán để tạo ra một nền văn hóa nhanh nhẹn và xuất sắc trong đội ngũ của mình – và điều này, tất nhiên, sẽ mang lại động lực chung cho tổ chức.
Dưới đây là danh sách các yếu tố xác định chất lượng của quyết định.
  • Tính kịp thời
  • Được đưa ra bởi người có trách nhiệm rõ ràng
  • Được thực hiện bởi đội ngũ có chuyên môn phù hợp
  • Xem xét tham vấn từ nhiều khía cạnh
  • Xem xét các tác động tổng thể của vấn đề
  • Cân nhắc các tác động dài hạn và ngắn hạn
  • Giải quyết nguyên nhân gốc rễ (thay vì các triệu chứng, biểu hiện)
  • Phương thức giao tiếp thích hợp
7) Thúc đẩy trách nhiệm cá nhân
Khi trách nhiệm giải trình bị phân tán hoặc không rõ ràng, các khoảng trống và nhiệm vụ chồng chéo chắc chắn sẽ xuất hiện. Đó là lý do tại sao trách nhiệm giải trình rõ ràng, thuyết phục là chìa khóa để làm sếp thành công. Nó tạo ra nền văn hóa hoàn toàn khác so với cách tiếp cận ‘cha chung không ai khóc’ cho đến khi một lãnh đạo cấp cao phân bổ lại công việc cho từng cá nhân thành viên. Một trong những mẹo tốt nhất dành cho các sếp mới là chủ động chịu trách nhiệm về mọi thứ do phòng ban của mình phụ trách và yêu cầu mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về những gì họ được giao.
Nhận thức và hiểu được bối cảnh thay đổi như thế nào sau khi làm sếp sẽ giúp bạn phát triển và thực sự toả sáng trong vai trò mới. Bắt đầu bằng cách trau dồi các kĩ năng và tinh thần kỉ luật sẽ cho phép bạn xử lý quá trình chuyển đổi ‘làm sếp’ này một cách chu đáo, dẫn dắt đội nhóm thành công.